SLNA: Sức trẻ và…chín ép?

Việc đôn lứa trẻ lên quá sớm khiến SLNA không có được kết quả tốt ở mùa giải này - Ảnh: Báo Nghệ An

Bán tống cả “lúa non”?

V.League và chuyện “mặc dù/nhưng…”

“Giận mà thương” trên sân Hàng Đẫy

Chuyện ông chủ “đang phá đội bóng của chúng ta”

“Chất thép” SLNA ở sân chơi trẻ châu lục

Chỉ trước cuộc đụng độ này ít ngày, Hà Nội FC vừa lập kỳ tích là đội bóng Đông Nam Á đầu tiên giành chiến thắng trước đội đương kim vô địch AFC Champions League, ở đây là Urawa Red Diamonds (Nhật Bản) với tỷ số 2-1 và đang toàn tâm toàn ý để trở lại V.League. Họ trở lại với sự tập trung cao độ cùng lực lượng tốt nhất để thách thức với bất cứ đội bóng nào. Trong khi đó, đội khách SLNA lần đầu tiên tung thủ môn 19 tuổi Cao Văn Bình và tiền vệ cũng rất trẻ là Quang Vinh đá chính, cùng một loạt các nhân tố trẻ quen thuộc khác, trừ Xuân Tiến không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu.

Trước khi trận đấu diễn ra, người ta nói đến những lợi thế nào đó của SLNA như sự cổ vũ của cổ động viên, ý chí và sức trẻ, của niềm tin từ những trận thắng khó khăn trong quá khứ trước đội bóng Thủ đô... Nhưng thực tế đã chỉ ra, ở V.League nói chung và khi đối đầu với những đội bóng có tiềm lực mạnh như Hà Nội FC, chỉ có sức mạnh ý chí như thế thôi là không đủ.

Điểm yếu chí tử của SLNA trước hết là ở hàng thủ, khi họ tiếp tục chỉ trụ vững được khoảng 30 phút đầu tiên và nhanh chóng sụp đổ trong ít phút cuối hiệp 1. Nhìn vào cách thay người của HLV Như Thuật thì Văn Huy và Văn Thành đã có sự trở lại không tốt nên bị thay ra ngay sau 45 phút thi đấu không tròn vai.

Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, trung vệ ngoại binh Zebic được chờ đợi là chỗ dựa cho các trung vệ trẻ thì lại luôn thất thế trong không chiến, chậm chạp trong phán đoán tình huống nên chưa hề thấy có mặt ở bất cứ điểm nóng nào trước khung thành Văn Việt hay Văn Bình. Trung vệ Khắc Lương gặp chấn thương quá sớm từ vòng 2 đã khiến ban huấn luyện Sông Lam phải vá víu từ Văn Thành tới Nguyên Hoàng, Bá Quyền…và không thể nói là ai tạm ổn, ai “chịu được nhiệt” tốt nhất? Nếu bộ ba trung vệ chưa thể yên tâm thì đôi cánh của SLNA lại càng là nỗi lo thường trực khi Đình Hoàng cày ải liên tục, Trọng Hoàng chấn thương liên tiếp, Sỹ Hoàng chơi hay nhưng thể lực yếu, Văn Việt ít được tin dùng.

Hơn nữa, SLNA cho đến nay vẫn không có một tiền vệ trụ đích thực, phòng ngự, đánh chặn tốt để giảm áp lực từ xa cho hàng thủ. Khi có Nam Hải thì không có Bá Quyền, nay có Quang Vinh hay Xuân Bình nhưng họ vẫn chỉ là tiềm năng ở đội trẻ, lên đội 1 thì mọi chuyện rất khác và khó. Niềm tin Xuân Tiến là có thật, nhưng anh không hỗ trợ phòng ngự tốt, chưa kể vấn đề “nội bộ” nào đó đang đặt ra dấu hỏi về sự duy trì phong độ của tiền vệ này, từ một vị trí thiếu ổn định ở Sông Lam Nghệ An tới U23 Việt Nam.

Cầu thủ trẻ xứ Nghệ và cả các ngoại binh thi đấu quá vất vả trước một Hà Nội FC nổi trội hơn nhiều về mọi mặt - Ảnh: Báo Nghệ An

Cầu thủ trẻ xứ Nghệ và cả các ngoại binh thi đấu quá vất vả trước một Hà Nội FC nổi trội hơn nhiều về mọi mặt - Ảnh: Báo Nghệ An

Với một thực lực như đã nói nên hy vọng quá lớn vào đội hình trẻ này quả thực là thiếu căn cứ và quá mộng mơ. Ý chí và sức trẻ có thể giúp họ thi đấu khá tốt ở các trận đầu gặp Thể Công-Viettel, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Quảng Nam nhưng việc không giữ được thành quả trong các lần dẫn trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Quảng Nam cho thấy đàn trẻ này không đảm bảo thể lực cho một trận đấu 90 phút cân não. Rõ ràng, so với “người không phổi” Thái Sơn ở Đông Á Thanh Hóa chẳng hạn, đội bóng trẻ thành Vinh không giới thiệu được một chân chạy nào có thể lực và sức bền tương tự. Nam Hải hay Quang Vinh, Bá Quyền hay Xuân Bình vẫn phải cùng nhau “xoay tua” liên tục trong đội hình mà vẫn không thể đáp ứng được so với thực tế đòi hỏi.

Tất nhiên, trong bóng đá “tiền nào thì của nấy”, lương thưởng thấp lè tè thì mơ gì thành tích cao. Trong trận đấu ở vòng 5 nói trên, Hà Nội FC giới thiệu một tiền đạo mới toanh người Brazine tên là Junior Denilson từng được định giá 1,3 triệu euro (hơn 33 tỷ VND) và anh này lập tức ghi bàn cho đội chủ sân Hàng Đẫy. Trong khi đó, trừ Olaha, tiền đạo Success vẫn chật vật tìm lại bản năng săn bàn, dù đã ít nhất vài lần ghi được bàn trong… tư thế việt vị. Bên phía đối thủ, dàn trẻ Sông Lam gặp lại những đàn anh “hưởng lương cao” Xuân Mạnh, Văn Hoàng không thể ở lại đội bóng cũ, lại thi đấu hết sức chuyên nghiệp vì “đồng tiền, bát gạo” nên đội bóng thành Vinh đã non lại càng yếu trong cuộc đua đường dài.

May mắn là dàn trẻ SLNA hiện vẫn có “niềm an ủi” từ những đồng nghiệp trẻ ở đội bóng phố núi. Trận tỷ thí ở vòng 6 V.League tới đây trên sân Vinh sẽ là trận đấu của những đội bóng cùng cảnh ngộ, nhiều tiềm năng nhưng ít tiền bạc, có tham vọng nhưng bất lực với thực tiễn kim tiền nên cứ đì đẹt với cảnh bám đuổi ở cuối bảng xếp hạng. Đừng nói là hãy kiên nhẫn chờ các nhân tố trẻ này cọ xát và trưởng thành. Nếu cứ thua trận liên tục, thì ý chí cũng bị thay bằng chán nản, buông xuôi. Chưa kể, họ sẽ tìm những cơ hội khác, tốt hơn mà không ai có quyền bắt họ “trụ hạng suốt thời thanh xuân” như đã biết.

Một môi trường rèn luyện tốt, phù hợp có thể giúp đào tạo, phát hiện ra những tài năng thực sự. Nhưng nếu như cứ bắt buộc các nhân tố trẻ phải chín ép, phải gánh vác quá sức thì ai dám nói điều gì sẽ xảy ra sắp tới. Một môi trường từ hạng Nhất lên V.League có thể đưa Đình Bắc ra ánh sáng rực rỡ. Một tập thể gắn kết, có nhiều đồng đội hỗ trợ sẽ giúp Thái Sơn tiến nhanh và bền vững. Còn nếu trận bắt chính V.League đầu tiên mà thất bại như tình cảnh của Văn Bình dù chơi không đến nỗi nào, lỗi nặng liên tiếp như Nguyên Hoàng…thì không thể nói là mọi việc hoàn toàn có lợi cho bước đi lên, trưởng thành của những tài năng trẻ hay của một đội bóng?

 
Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe