Biến thể XE lan tới nhiều quốc gia và hy vọng về vaccine COVID-19 dạng xịt

WHO đang theo dõi sát các biến thể tái tổ hợp có khả năng lây lan cao hơn biến thể mẹ Omicron.

WHO: Tiếp tục theo dõi các biến thể COVID-19 XE Omicron và XD

Biến thể lai của Omicron có đáng lo ngại?

Biến thể phụ BA.2 của Omicron chiếm ưu thế tại TP.HCM

Biến thể "Omicron tàng hình" lây lan nhanh, gây triệu chứng nặng hơn Delta

Theo Japantoday, bệnh nhân là phụ nữ, khoảng 30 tuổi, ở Mỹ, không có triệu chứng mắc COVID-19. Người phụ nữ này đã được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer nhưng vẫn cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh.

Khi Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm dương tính, họ phát hiện người phụ nữ nhiễm chủng XE. Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện điều trị và rời viện sau khi hết thời gian cách ly.

Chủng XE là sự tái tổ hợp từ biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron. Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, một biến thể tái tổ hợp xảy ra khi một cá nhân bị nhiễm từ 2 biến thể trở lên, dẫn đến sự trộn lẫn vật liệu di truyền của họ trong cơ thể bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ước tính ban đầu dựa trên dữ liệu sơ bộ hạn chế cho thấy XE có khả năng lây truyền cao hơn BA.2 khoảng 1,1 lần. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh rằng phát hiện này cần được xác nhận thêm.

Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cũng cho biết họ phát hiện hai mẫu khác được lấy từ những chuyến bay trong thời gian gần đây là hỗn hợp vật chất di truyền của Omicron, tuy nhiên, họ không thể xác định chính xác nó là gì. Thống kê tại Anh cho thấy khoảng 1.100 ca nhiễm XE đã được ghi nhận vào ngày 5/4, mặc dù, biến chủng này mới chỉ chiếm chưa đến 1% ca nhiễm trên cả nước.

Kazushi Motomura, Giám đốc Bộ phận Y tế công cộng tại Viện Y tế công cộng Osaka, cho biết: “Biến chủng XE không phải là chủng virus nổi trội tại Anh – nơi nó được phát hiện trước đó và hiện không có khả năng lây lan nhanh ở Nhật Bản. Chúng ta không cần phải quá lo sợ vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục các biện pháp cơ bản để ngăn ngừa lây nhiễm, như tăng cường tiêm mũi bổ sung”.

Trong khi đó, chuyên gia mô hình toán học Hiroshi Nishiura, Đại học Kyoto, cảnh báo giới chức y tế Nhật Bản nên để mắt tới XE và các biến chủng khác.

“Khả năng lây truyền của XE chắc chắn cao hơn BA.1 hoặc BA.2. Nếu mọi người di chuyển quốc tế nhiều hơn, XE có cơ hội cao thay thế các biến chủng Omicron hiện tại. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở người nhiễm bệnh. Vì vậy, chúng tôi phải kiểm tra tác động dịch tễ học của nó chặt chẽ", chuyên gia Hiroshi Nishiura cho hay.

Biến chủng XE đang có hiện tượng lan ra một số nước. Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á báo cáo về biến thể XE, với ca nghi nhiễm được xác định ngày 2/4. Tiếp đó là các ca được ghi nhận tại Ấn Độ ngày 6/4 và 9/4. Ngày 7/4, Mumbai, Ấn Độ phát hiện ca đầu tiên nhiễm chủng này. Bệnh nhân là một phụ nữ 50 tuổi đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19. 

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay chưa thấy báo cáo nào ghi nhận ca mắc COVID-19 biến thể XE tại Việt Nam. Trước đó, sáng 9/4, tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo được kết nối trực tuyến tới các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, chúng ta có thể đủ sức đối phó những chủng virus cũ, nhưng tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với những biến chủng mới có thể xuất hiện.

Hy vọng mới từ vaccine COVID-19 dạng xịt

Thử nghiệm vaccine COVID-19 dạng xịt tại công ty sản xuất vaccine CyanVac của Mỹ - Ảnh: WSP

Thử nghiệm vaccine COVID-19 dạng xịt tại công ty sản xuất vaccine CyanVac của Mỹ - Ảnh: WSP

Theo WashingtonPost, biến chủng Omicron đang lưu hành khắp thế giới có đặc tính khác biệt với các phiên bản trước đó của SARS-CoV-2. Nó có khả năng lây nhiễm nhanh nhất, đặc biệt qua đường hô hấp trên, từ mũi người này sang mũi người khác. Số ca nhiễm tăng vọt kể từ mùa Đông năm nay, ở cả người đã tiêm chủng.

Kể từ đó, các nhà khoa học cân nhắc lại chiến lược hiệu quả nhất phòng chống biến chủng trong tương lai. Họ hướng tới loại vaccine có tính bảo vệ cao hơn, ngăn chặn hoàn toàn ca nhiễm ngay từ đầu. Niềm hy vọng của họ đặt vào vaccine dạng xịt mũi.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi vaccine từ dạng tiêm sang dạng xịt có thể tạo miễn dịch ngay tại nơi virus xâm nhập, ngăn chặn sự lây lan từ đầu. Theo đó, cơ chế miễn dịch học của vaccine dạng xịt khá phức tạp, nhưng ý tưởng về nó lại đơn giản. Giọt phun sương chứa vaccine khi xịt vào lỗ mũi có thể kích thích khả năng miễn dịch "niêm mạc" - thành phần chống virus trong mô lót đường thở. Khả năng bảo vệ tại chỗ có thể phòng ngừa lây nhiễm và ngăn chặn các biến chủng mới.

Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch tại Trường Y Đại học Yale, nghiên cứu vaccine dạng xịt để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Biến chủng Omicron khiến suy nghĩ của cô thay đổi.

"Nhận thấy biến chủng mới có khả năng lây truyền nhanh, khiến vaccine không còn hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm, tôi cho rằng mình có cơ hội đóng góp gì đó cho đại dịch này", Iwasaki nói.

Hiện các nhà khoa học trên thế giới cũng đang "chạy đua" để phát triển các loại vaccine COVID-19 dạng xịt. Trước đó, theo Hãng thông tấn Tass, ngày 2/4, Nga vừa có vaccine dạng xịt qua đường mũi do Viện Gamaleya phát triển dựa trên vaccine Sputnik V, đây là vaccine COVID-19 dạng xịt đường mũi đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Tại New York, các nhà nghiên cứu Trường Y Icahn ở Mount Sinai cũng đã phát triển vaccine dạng xịt chứa virus cảm, ho ở gà, được bổ sung protein gai của SARS-CoV-2. Đại học Oxford (Anh) đã thử nghiệm phiên bản vaccine xịt của AstraZeneca, còn công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) cũng đã nghiên cứu loại vaccine tương tự. 

Thực tế, vaccine dạng xịt không mới, nhưng còn chưa phổ biến. Quá trình nghiên cứu vấp phải trở ngại nhiều năm. Các nhà khoa học từng thử nghiệm FluMist, vaccine ngừa cúm nhưng không được chấp thuận cho người cao tuổi và trẻ nhỏ, có hiệu quả kém hơn so với tiêm chủng thông thường.

Nhiều loại vaccine xịt mũi bào chế dựa trên virus sống hoặc bị suy yếu, không được sử dụng ở người bị suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai. Các nhà khoa học cẩn thận xem xét tính an toàn của chúng, vì mũi rất gần não bộ.

Vaccine COVID-19 dạng xịt cũng đang được thử nghiệm tại Việt Nam, trong giai đoạn tuyển tình nguyện viên pha ba. Đây là vaccine của Trung Quốc, thử nghiệm giai đoạn ba tại Việt Nam và một số nước khác theo thông lệ thế giới về quy trình nghiên cứu vaccine mới.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin