Yoga giúp giảm đường huyết ở người bệnh đái tháo đường type 2?

Tập yoga mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giúp giảm đường huyết

4 thực phẩm tốt cho người có lượng đường trong máu cao

"Điểm mặt" thực phẩm làm tăng tiết mồ hôi

5 loại rau phổ biến giúp kiểm soát đường huyết cực tốt

5 cách để giảm lượng đường trong máu

 

A1C là chỉ số đo mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua. A1C từ 6,5% trở lên là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường và giữ mức dưới 7% được coi là kiểm soát tốt. Mức từ 9% trở lên thuộc mức nguy hiểm.

Sau khi phân tích 28 nghiên cứu được thực hiện từ năm 1993 đến năm 2022, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc luyện tập yoga và việc giảm mức A1C (hemoglobin A1C, HbA1c). Cụ thể, những người tập yoga có thể giảm 1% mức A1C. 

Mặc dù con số này có vẻ nhỏ, nhưng nó có thể so sánh với mức giảm được cung cấp bởi metformin, loại thuốc đái tháo đường phổ biến nhất. Metformin thường làm giảm nồng độ A1C trung bình 1,1%.

Ngoài yoga, các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét tác động của thiền, khí công và các kỹ thuật giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm. Tất cả đều dẫn đến giảm lượng đường trong máu, làm giảm 0,84% mức A1C.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, mục tiêu chung để kiểm soát bệnh đái tháo đường là đạt được mức A1C dưới 7%, nhưng chỉ có khoảng 1/2 số người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 đạt được mục tiêu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc kết hợp yoga và các phương pháp thực hành chánh niệm cùng các loại thuốc được bác sỹ kê đơn có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sỹ Fatimata Sanogo từ Cục Khoa học Dân số và Sức khỏe cộng đồng của Đại học Nam California, cho biết: “Bệnh đái tháo đường type 2 là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu đánh giá cao hiệu quả của những phương pháp này trong việc quản lý lượng đường trong máu".

Giải thích về lý do mà yoga và các phương pháp thực hành chánh niệm mang lại nhiều lợi ích, bác sỹ Marisa Gefen làm việc tại Oak Street Health (Mỹ) cho rằng, nguyên nhân có thể là do các phương pháp này giúp giảm căng thẳng.

Trong cơ thể, tuyến thượng thận phản ứng với căng thẳng bằng cách giải phóng hormone cortisol, có thể làm tăng lượng đường trong máu. Hơn nữa, những người mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng có mức cortisol cao. Các phương pháp luyện tập trên có thể ngăn ngừa căng thẳng, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần, từ đó làm giảm mức cortisol.

Bác sỹ Marisa Gefen nói: “Khi tập thể dục, cơ thể bạn có thể giảm lượng đường trong máu vì các cơ đang sử dụng nó. Do đó, luyện tập thể chất như yoga và thái cực quyền sẽ làm giảm đường huyết theo cách đó và thực hành chánh niệm sẽ làm giảm mức cortisol. Nếu bạn thực hiện nó một cách nhất quán thường xuyên, sẽ mang lại hiệu quả về lâu dài”.

Tuy nhiên, các phương pháp luyện tập không thể thay thế cho thuốc kê đơn, insulin, chế độ ăn uống lành mạnh hoặc các phương pháp khác do bác sỹ đề xuất để kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2.

“Điều quan trọng là bạn tuân theo chỉ định của bác sỹ và đảm bảo rằng bạn không bỏ dùng bất kỳ loại thuốc nào theo quy định. Nếu bạn tập yoga liên tục và lượng đường trong máu hạ thấp, có khả năng bác sỹ có thể giảm liều lượng thuốc theo thời gian", bác sỹ Marisa Gefen lưu ý.

 
Lê Tuyết (Theo Very well Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp