2 chất béo nên hạn chế ăn để giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Một số loại chất béo quen mặt có thể làm tăn nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Tăng nguy cơ suy tim vì ăn nhiều chất béo bão hòa

Ăn nhiều mỡ lợn, mụn to hơn

Chất béo bão hòa giúp giảm cân và tránh đái tháo đường

Chất béo chuyển hóa nguy hiểm thế nào?

Tại sao bạn nên tránh hoàn toàn chất béo chuyển hóa?

Theo Express.co.uk, tại Anh, bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu bên cạnh bệnh ung thư và chứng sa sút trí tuệ. Bệnh mạch vành là tình trạng xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong. Các động mạch trong cơ thể chúng ta vốn dĩ mềm mại và đàn hồi, nay trở nên hẹp và cứng hơn do sự xuất hiện có các mảng bám qua thời gian, như cholesterol và các chất khác bám trên thành mạch máu, gọi là chứng xơ vữa động mạch.

Xơ vữa động mạch có thể do một số yếu tố lối sống gây ra, chẳng hạn như hút thuốc và uống quá nhiều rượu. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống với các thực phẩm giàu cholesterol cũng là "thủ phạm" gây ra tình trạng này.

 

Quỹ Tim mạch Anh (British Heart Foundation) nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với sức khỏe trái tim: "Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh mạch vành, ngăn ngừa tăng cân, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Bên cạnh đó, nó cũng giúp giảm mức cholesterol và ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Ngay cả khi bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tim, một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể".

Khi nói đến việc giữ cho trái tim khỏe mạnh, có 2 loại chất béo bạn nên tránh gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

Chất béo bão hòa là chất béo từ mỡ động vật, đông đặc ở nhiệt độ phòng và thường được tìm thấy trong các nguồn thực phẩm như: Bơ, mỡ lợn, thịt mỡ, xúc xích, thịt xông khói, bánh ngọt, bánh quy, phô mai, chocolate...

Chất béo chuyển hóa cũng được xếp vào nhóm chất béo xấu, tương tự như chất béo bão hòa và được sử dụng để kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm chế biến như thức ăn nhanh. Trang Diabetes.co.uk từng cảnh báo: "Chất béo chuyển hóa, một dạng dầu ăn đã qua chế biến (hydro hóa), đã được xác định là một trong những chất phụ gia thực phẩm nguy hiểm nhất”. Chất béo chuyển hóa thường có thể được tìm thấy trong bơ thực vật, bánh rán, bánh quy, bánh ngọt, kem, thức ăn nhanh...

Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service - NHS) cũng khuyên bạn nên tránh chất béo bão hòa để giảm nguy cơ mắc bệnh tim, thay vào đó nên ăn chất béo không bão hòa - đã được chứng minh có thể làm tăng mức cholesterol tốt và giúp giảm tắc nghẽn động mạch. Các thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa bao gồm: Cá béo, quả bơ, các loại hạt, hướng dướng, dầu olive...

Ngoài ra, có một số cách khác giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch như:

- Duy trì cân nặng ở mức ổn định.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Bỏ thuốc lá.

- Hạn chế uống rượu.

- Luôn giữ huyết áp và bệnh đái tháo đường trong tầm kiểm soát.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tim là đau ngực và khó thở. Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu trên thì nên đến gặp bác sỹ để thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời (nếu cần).

Lê Tuyết (Theo Express.co.uk)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp