5 chế độ ăn uống đánh bại bệnh tật

Chế độ dinh dưỡng đúng giúp đánh bại bệnh tật

Ăn thế nào để bơi khỏe như kình ngư Ánh Viên?

Ăn nhiều thịt có thể làm tăng nguy cơ chết sớm

Ăn uống kiểu này, tử vong sớm!

Victoria Beckham tiết lộ chế độ ăn để luôn xinh đẹp và quyến rũ

1. Chế độ ăn GI thấp

GI (glycemic index) là chỉ số đường huyết của thực phẩm, phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết của thực phẩm sau khi ăn.

Thực phẩm GI cao có thể dẫn đến sự tăng đường huyết nhanh chóng, vì thế chế độ ăn GI thấp tập trung vào việc duy trì đường huyết ở mức trung bình.

Các thực phẩm có GI thấp bao gồm: Quả mọng, mận, bưởi, kiwi, rau diếp, ớt, súp lơ xanh, cải bắp…

Chế độ ăn này đặc biệt phù hợp với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và tiền đái tháo đường. Không chỉ giúp kiểm soát đường huyết, các thực phẩm GI thấp còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, làm tăng lượng HDL cholesterol (cholesterol “tốt”) nên giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh tim mạch.

2. Ăn chay

Ăn chay tốt cho sức khỏe

Ăn chay có thể là điểm đặc trưng của một số tôn giáo, quốc gia, vùng sinh thái… tuy nhiên, tất cả mọi người nên áp dụng chế độ ăn này vì những lợi ích sức khỏe tuyệt vời mà nó mang lại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người ăn chay ít có nguy cơ bị béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp và đái tháo đường.

Chế độ ăn chay thường chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol, giàu carbohydrate phức hợp, chất xơ, magne, acid folic, vitamin C, vitamin E carotenoid… hơn so với chế độ ăn nhiều thịt.

3. Chế độ ăn DASH

“DASH” là viết tắt của "dietary approaches to stop hypertension" (Chế độ ăn uống ngăn chặn tăng huyết áp) là sáng kiến của Viện Huyết học và Tim Phổi quốc gia Hoa Kỳ.

Chế độ ăn DASH giàu trái cây, rau quả, sữa/các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, ngũ cốc, cá, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt và quả hạch. Chế độ ăn này cũng chứa ít natri (muối), đường và thịt đỏ.

Chế độ ăn DASH

Nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn DASH có thể giúp giảm huyết áp ngay sau hai tuần áp dụng. Đặc biệt, nếu kết hợp với tập thể dục và giảm cân có thể cải thiện đáng kể độ nhạy của insulin (yếu tố quan trọng trong kiểm soát bệnh đái tháo đường).

Một nghiên cứu do Đại học Johns Hopkins tiến hành năm 2010 cho thấy chế độ ăn ngừa tăng huyết áp cũng giảm được 18% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.

4. Chế độ ăn ít gluten (low- gluten) hoặc không gluten (gluten-free)

Các thực phẩm không chứa gluten

Gluten là một loại protein có mặt trong các loại ngũ cốc như lúa mỳ, lúa mạch và lúa mạch đen. Chế độ ăn uống hạn chế hoặc loại bỏ gluten thường được chỉ định cho những người mắc bệnh celiac, căn bệnh khiến hệ miễn dịch phản ứng với gluten bằng các cơn kích thích gây tổn hại cho ruột non. Điều này cản trở cơ thể hấp thu các chấp dinh dưỡng quan trọng như vitamin, calci, protein, carbohydrate và chất béo.

Có người cho rằng tránh hoàn toàn gluten có thể giúp cải thiện hành vi của trẻ tự kỷ, tuy nhiên, có rất ít bằng chứng khoa học nào ủng hộ quan điểm này.

5. Chế độ ăn Ketogenic

Trước hết, cần khẳng định rằng chế độ ăn Ketogenic không dành cho tất cả mọi người. Trên thực tế, chế độ ăn này được chỉ định cho người bị động kinh (đặc biệt là trẻ em) có các cơn co giật không đáp ứng với thuốc.

Chế độ ăn Ketogenic dành riêng cho người bệnh động kinh

Thực đơn của chế độ ăn này đòi hỏi phải tuân theo một tỷ lệ cụ thể chất béo, carbohydrate và protein: 80 – 5 – 15. Các thực phẩm trong chế độ ăn có thể bao gồm: Kem, thịt xông khói, trứng, cá ngừ, tôm, rau, nước xốt, xúc xích và các thực phẩm giàu chất béo, ít carbohydrate khác. Người bệnh không nên ăn nhiều tinh bột và trái cây, bánh mỳ, mỳ ống hoặc các thực phẩm chứa đường đơn. Tác dụng phụ của chế độ ăn này bao gồm táo bón, mất nước, thiếu năng lượng và đói.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet năm 2008 cho thấy những đứa trẻ tuân thủ chế độ ăn Ketogenic giảm được 1/3 số cơn động kinh so với những trẻ có chế độ ăn khác. 

Kim Chi H+ (Theo Livescience)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng