Người bị viêm mạn tính nên tránh xa căng thẳng, stress

Căng thẳng tâm lý kéo dài có thể gây ra tình trạng viêm trong cơ thể

8 loại rau giúp giảm viêm mạn tính

Thói quen ăn uống giúp tăng cường trao đổi chất, giảm viêm

Bạn có thể làm gì để kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể?

Mẹo chăm sóc da dành cho người bị viêm da cơ địa

Viêm mạn tính ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao?

Viêm là phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước các kích thích có hại, chẳng hạn như nhiễm trùng cấp tính, chấn thương và độc tố... Trong khi hiện tượng viêm cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn và khu trú tại một vị trí, viêm mạn tính lại xảy ra ở toàn cơ thể và kéo dài.

Nguyên nhân gây viêm mạn tính thường gặp là do các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh. Ngoài ra, viêm còn xảy ra do tình trạng stress oxy hóa, khi trong cơ thể xuất hiện nhiều các gốc tự do và các yếu tố gây viêm.

Tình trạng viêm mạn tính kéo dài ảnh hưởng xấu tới nhiều cơ quan trong cơ thể

Tình trạng viêm mạn tính kéo dài ảnh hưởng xấu tới nhiều cơ quan trong cơ thể

Theo chuyên gia dinh dưỡng Julie Pace – người đứng đầu Trung tâm Sức khỏe Core Nutrition (Mỹ), viêm mạn tính không được điều trị là “mầm mống” dẫn tới sự hình thành các bệnh mạn tính nguy hiểm như tim mạch, đái tháo đường, bệnh tự miễn, Alzheimer và rối loạn tiêu hóa. Ước tính trên toàn thế giới, 3 trên 5 ca tử vong là do các bệnh liên quan tới tình trạng viêm mạn tính.

Muốn giảm viêm mạn tính, cần tránh xa căng thẳng, stress

Để giảm viêm mạn tính, nhiều người nghĩ tới các biện pháp như hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, kiêng đường… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kiểm soát yếu tố căng thẳng, stress trong cuộc sống là biện pháp hiệu quả nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực.

 

Trạng thái căng thẳng kích hoạt hàng loạt phản ứng với cơ thể, từ làm tăng nhịp tim, thở gấp, hệ tiêu hóa đình trệ, cơ bắp căng cứng. Hormone cortisol và adrenaline được cơ thể tiết ra khi gặp stress sẽ kéo theo phản ứng “chiến hay chạy”, làm tăng số lượng cytokine gây viêm.

“Stress kéo dài làm suy giảm khả năng điều hòa các phản ứng nói trên của cơ thể, dẫn tới tăng hiện tượng viêm”, chuyên gia Pace nhận định.

Hiện tượng viêm do nồng độ cortisol tăng cao cản trở hoạt động của hormone insulin, dẫn tới tăng đường huyết. Tình trạng này còn làm tăng chỉ số LDL cholesterol hay “cholesterol xấu” trong máu. Như vậy, kiểm soát tốt stress có thể giúp giảm viêm mạn tính, từ đó giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Trong cuộc sống hiện đại, rất khó tránh khỏi các tình huống gây căng thẳng, stress. Tuy nhiên, bạn có thể chủ động giải tỏa căng thẳng, giảm thiểu một vài tác nhân gây stress trong tầm kiểm soát của mình bằng các biện pháp như:

Ưu tiên thời gian cho giấc ngủ

Giấc ngủ đảm bảo cả về chất lượng và thời lượng giúp cơ thể được thư giãn và phục hồi hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, một đêm ngủ ngon sẽ giúp bạn bớt stress hơn vào ngày hôm sau. Về mặt sinh lý học, giấc ngủ giúp cơ thể giảm mức độ hormone căng thẳng cortisol tự nhiên.

Gặp gỡ và giao tiếp

Đôi khi, gặp gỡ bạn bè, người thân yêu có thể giúp bạn giải tỏa stress hiệu quả. Trò chuyện, tâm sự vui buồn với người khác giúp bạn tạm thời quên đi những tác nhân gây stress, hoặc có thể ứng phó với căng thẳng hiệu quả hơn.

Vận động theo ý thích

Tập thể dục giúp giảm viêm, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe tổng thể

Tập thể dục giúp giảm viêm, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe tổng thể

Để giảm viêm mạn tính, bạn nên dành thời gian hoạt động thể chất theo sở thích. Nghiên cứu cho thấy, tập thể dục đều đặn giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm; Giúp bạn ứng phó với stress hiệu quả hơn, đồng thời giúp giảm hiện tượng stress oxy hóa có thể dẫn tới viêm mạn tính.

Ngoài việc tới phòng tập thể hình, bạn còn có thể tập lắc vòng, dắt thú cưng đi dạo, khiêu vũ.

Thực hành chánh niệm

Thực hành chánh niệm (còn gọi là tỉnh thức) được hiểu là chú tâm đến các giác quan, cảm xúc và suy nghĩ hiện tại của bạn một cách không phán xét. Ngoài thiền định, bạn có thể thực hành chánh niệm trong mọi hoạt động thường ngày, ngay cả khi ăn, đi bộ, rửa bát… Ví dụ, bạn có thể ngồi thiền vài phút, hoặc đi bộ ngoài trời (vừa đi vừa chú ý tới âm thanh, cảnh vật xung quanh, cảm giác dưới chân…).

Quỳnh Trang (Theo Eatingwell)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp