Buồn nôn sau tập luyện: Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng buồn nôn sau tập luyện

Đừng để cơ thể "lên tiếng" mới uống nước

Có nên bổ sung tinh bột sau tập luyện?

Các loại thực phẩm giàu protein hơn trứng

Tạo động lực tập luyện cho thanh thiếu niên trong mùa Hè

1. Do mất nước

Khi vận động mạnh, cơ thể tiết nhiều mồ hôi để điều hòa nhiệt độ. Mồ hôi không chỉ khiến mất nước mà còn làm thất thoát các chất điện giải quan trọng như natri và kali. Nếu không được bù đắp kịp thời, tình trạng mất cân bằng này có thể dẫn đến buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi. Thời tiết nóng ẩm càng làm tăng nguy cơ mất nước, đặc biệt nếu không có thói quen uống nước đều đặn trong ngày.

2. Tập khi no bụng

Ăn một bữa no ngay trước khi tập thể dục là nguyên nhân phổ biến gây cảm giác buồn nôn. Khi cơ thể cần dồn máu đến các nhóm cơ hoạt động, hệ tiêu hoá buộc phải “nhường” lại lượng máu cần thiết, khiến sự tiêu hoá chậm lại. Thức ăn còn tồn đọng trong dạ dày sẽ bị xáo trộn trong lúc vận động, dễ dẫn tới cảm giác đầy bụng và buồn nôn.

Thời gian lý tưởng để ăn trước khi tập thường cách khoảng 2-3 giờ, đặc biệt với những bữa ăn giàu đạm hoặc chất béo.

3. Hoạt động mạnh

Những bài tập có cường độ cao, chuyển động nhảy hoặc bật liên tục như chạy bộ, nhảy dây, plyometric có thể ảnh hưởng đến dạ dày, nhất là khi bụng đang no. Cảm giác khó chịu tương tự như say tàu xe có thể xảy ra ở một số người nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của vị trí cơ thể. Trong trường hợp này, chuyển sang các hoạt động nhẹ nhàng hơn như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội có thể giúp cải thiện tình hình.

4. Hạ đường huyết

Glucose là nguồn năng lượng chính cho hoạt động thể chất. Khi tập luyện lúc đói bụng, lượng đường trong máu có thể giảm thấp, gây ra cảm giác mệt mỏi, hoa mắt và buồn nôn. Một bữa ăn nhẹ khoảng 30–60 phút trước buổi tập có thể giúp duy trì mức năng lượng ổn định và phòng ngừa hạ đường huyết.

5. Tập quá sức

Tập luyện quá sức có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ

Tập luyện quá sức có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ

Dù là người mới tập hay đã có kinh nghiệm, việc đẩy cơ thể vượt quá giới hạn cũng dễ khiến dạ dày có phản ứng tiêu cực. Những bài tập lâu như chạy đường dài hoặc đạp xe trong thời gian dài có thể gây hội chứng rối loạn tiêu hóa do tập luyện (EIGS), trong đó buồn nôn là một triệu chứng thường gặp. Việc tăng cường độ tập luyện một cách đột ngột hoặc thiếu thời gian hồi phục cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này.

6. Do nhiệt độ thời tiết cao

Cơ thể sinh nhiệt trong quá trình vận động và cần tản nhiệt hiệu quả để duy trì hoạt động bình thường. Khi tập luyện trong môi trường nóng ẩm, hệ thống điều nhiệt phải hoạt động nhiều hơn. Máu được ưu tiên dẫn đến da để tỏa nhiệt, dẫn đến lượng máu nuôi các cơ quan tiêu hóa bị giảm, từ đó gây ra cảm giác buồn nôn hoặc thậm chí nôn ói. Tập luyện vào sáng sớm hoặc chiều muộn, trong không gian mát mẻ, có thông gió tốt là cách hữu hiệu để giảm tối đa rủi ro này.

7. Do phản ứng với thực phẩm thể thao

Không ít người gặp phải tình trạng buồn nôn khi sử dụng gel năng lượng, thanh bổ sung hoặc đồ uống thể thao có hàm lượng đường và chất điện giải cao. Một số thành phần như fructose hoặc lactose có thể gây khó chịu ở những người nhạy cảm.

Mặt khác, chỉ uống nước lọc mà không bổ sung muối trong các buổi tập kéo dài cũng có thể dẫn đến hạ natri máu, khiến cơ thể mất cân bằng điện giải và xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn hoặc chuột rút.

Làm gì khi cảm thấy buồn nôn trong lúc tập luyện?

Khi cảm giác buồn nôn xuất hiện, điều đầu tiên cần làm là dừng ngay hoạt động và tìm một nơi mát mẻ để nghỉ ngơi. Hãy nhấp từng ngụm nước nhỏ thay vì uống nhiều, hít thở sâu bằng bụng để làm dịu hệ thần kinh. Nằm nghỉ với chân hơi nâng cao cũng có thể giúp cải thiện lưu thông máu. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng sẽ giảm dần trong vòng 30–60 phút sau khi kết thúc tập luyện.

 
Hà Chi (Theo VeryWellHealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp