Táo bón nói chung và táo bón tiền kinh nguyệt nói riêng luôn là vấn đề khiến chị em phụ nữ phải quan tâm hàng đầu
Vậy nguyên nhân nào gây ra táo bón tiền kinh nguyệt
Tiến sĩ Asma Khapra, Chuyên gia của Hiệp hội Tiêu hoá Mỹ (AGA) nhận định: “Những biến động về hormone xảy ra trước kỳ kinh nguyệt của phụ nữ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đường ruột”.
Táo bón cũng giống như những sự thay đổi khác trong cơ thể giai đoạn tiền kinh nguyệt – đều do sự thay đổi hormone gây ra. Tiến sĩ Sherry Ross, đồng thời là Bác sĩ Sản phụ khoa tại Mỹ chia sẻ: “Những thay đổi về hormone đặc biệt là việc tăng progesterone khiến quá trình trao đổi chất bị chậm lại gây nên tình trạng này”.
Không những thế, các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa chu kỳ kinh nguyệt và các vấn đề về tiêu hóa ở phụ nữ. Cả 2 hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh viêm ruột (IBD) đều có thể khiến chị em cảm thấy khó chịu ở bụng, đặc biệt là trước khi đến kỳ kinh. Mặc dù hai bệnh này có những nguyên nhân và biểu hiện khác nhau, nhưng điểm chung là chúng đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi hormone trong cơ thể phụ nữ.
Biện pháp khắc phục táo bón tiền kinh nguyệt
1. Uống nhiều nước
Theo Tiến sĩ Ross, uống nhiều nước là giải pháp tốt nhất cho chị em khi gặp triệu chứng này. Ngoài ra, nước ép trái cây đặc biệt là nước ép mận cũng có thể giúp điều hoà nhu động ruột.
Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ cũng đã khuyến nghị mọi người nên tiêu thụ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày từ mọi nguồn thực phẩm để giữ đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
2. Tập thể dục đều đặn
Mặc dù hoạt động thể chất sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu khi đang gặp “táo” nhưng chỉ cần các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ cũng có thể giúp bạn cải thiện hiệu quả tình trạng này. Tiến sĩ Asma Khapra, Chuyên gia của Hiệp hội Tiêu hoá Mỹ (AGA) giải thích, đó là vì đại tràng sẽ được hoạt động nhiều hơn khi có những “tác động vật lý” từ cơ thể.
Không những thế, khi bạn tạo cho mình thói quen tập thể dục thường xuyên, thể trạng sức khoẻ của bạn cũng sẽ được cải thiện rất nhiều, đặc biệt trong việc ngăn ngừa tình trạng táo bón tiền kinh nguyệt ở những tháng tiếp theo.
3. Tăng cường lượng chất xơ trong chế độ ăn
Theo Tiến sĩ Ross, chất xơ có khả năng đưa nước vào ruột, giúp phân mềm và dễ dàng di chuyển, từ đó giảm thiểu tình trạng táo bón không chỉ ở hiện tại mà còn ở cả những lần tiếp theo.
Bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng táo bón bằng cách ăn khoảng 25-38gr chất xơ mỗi ngày. Các loại thực phẩm giàu chất xơ bạn nên bổ sung gồm có: ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau xanh và các loại hạt, đậu.
4. Sử dụng các loại thuốc nhuận tràng
Nếu bạn đã làm mọi cách nhưng tình trạng táo bón tiền kinh nguyệt vẫn không thuyên giảm, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc các chuyên gia uy tín về việc sử dụng các loại thuốc nhuận tràng.
Lưu ý, do cơ địa của mỗi người đều khác nhau nên không được tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
5. Bổ sung Magne
Để cải thiện tình trạng táo bón tiền kinh nguyệt, bạn có thể thử bổ sung magne trước khi đi ngủ theo lời khuyên của Tiến sĩ Khapra.
Magne là khoáng chất rất quan trọng cho nhu động ruột, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa. Để tăng lượng magne cho cơ thể, bạn có thể bổ sung qua các loại thực phẩm hoặc viên uống chứa magne citrate có tác dụng nhuận tràng nhẹ, hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ.
Một số lưu ý khi gặp tình trạng táo bón tiền kinh nguyệt
Có thể bạn cho rằng táo bón là hiện tượng không quá nghiêm trọng nhưng nếu bạn đang gặp phải một trong những tình trạng dưới đây, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh những ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ:
- Táo bón tiền kinh nguyệt kéo dài
- Đau bụng dữ dội và đầy hơi
- Đại tiện ra máu
- Không thể kiểm soát tình trạng táo bón
- Giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân.
Bình luận của bạn