Cách khắc phục 4 kiểu đau đầu thường gặp

Chứng đau đầu được phân loại thành nhiều kiểu như đau nửa đầu, đau đầu căng thẳng với các biểu hiện khác nhau

Cách khắc phục cơn đau đầu trong mùa Hè

4 biện pháp tự nhiên giúp giảm đau đầu tại nhà

Mẹo tránh đau đầu khi đi du lịch

Những điều cần biết về đau đầu kinh niên

Đau đầu kiểu căng thẳng (Tension-type headache)

Đây là một dạng đau đầu thường gặp, gây triệu chứng đau cả hai bên, cảm giác đau như ép hay thắt chặt hai bên đầu, mặt và cổ. Cơn đau với cường độ từ nhẹ đến trung bình kéo dài từ 30 phút đến vài ngày. Nguyên nhân thường gặp gồm: Đau cứng gáy, vấn đề do giấc ngủ, stress hoặc lạm dụng đồ uống chứa caffeine.

Để phòng ngừa đau đầu kiểu căng thẳng, TS. Salwa Kamourieh – chuyên gia thần kinh tại Trung tâm Đau đầu London (Anh) khuyến cáo bạn duy trì thói quen lành mạnh, uống đủ nước và tập thể dục đều đặn. Yoga, thiền định và massage cũng giúp người bị đau đầu kiểu căng thẳng thư giãn. Nếu mất ngủ là nguyên nhân, bạn cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt để có giấc ngủ ngon hơn.

Biện pháp giảm đau tạm thời cho cơn đau đầu kiểu căng thẳng thường là thuốc giảm đau chứa paracetamol, ibuprofen hay aspirin. Chườm ấm, chườm mát vùng đầu và cổ cũng giúp giảm bớt cảm giác đau.

Đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu khu trú ở một nửa đầu, gây cảm giác đau giật giật theo nhịp mạch

Chứng đau nửa đầu khu trú ở một nửa đầu, gây cảm giác đau giật giật theo nhịp mạch

Đau nửa đầu là một cơn đau dữ dội, có tính chất mạch đập chỉ xuất hiện ở một bên đầu. Phụ nữ có nguy cơ mắc đau nửa đầu cao hơn nam giới. Cơn đau kéo dài từ 3 – 72 tiếng đồng hồ, nên có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và sức khỏe tinh thần. Nhiều thống kê cho thấy, người bị đau nửa đầu có nguy cơ gặp chứng lo âu cao gấp 4 lần người bình thường. Người bị đau nửa đầu còn gặp triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Theo TS. Kamourieh, người bị đau nửa đầu nên xây dựng lịch trình sinh hoạt cố định để kiểm soát cơn đau đầu. Thức giấc đúng giờ, ngủ đủ 7-9 tiếng, ăn đúng bữa và tập thể dục đều đặn 150 phút/tuần là những thói quen giúp phòng ngừa đau nửa đầu hiệu quả. Bạn cũng nên uống đủ nước, hạn chế chất kích thích như caffeine.

Hiện nay, đau nửa đầu được khắc phục bằng một số giải pháp như: Tiêm botox (làm tê liệt dây thần kinh gây cảm giác đau), châm cứu. Trước khi dùng thuốc giảm đau hay điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp phù hợp.

Đau đầu chùm (Cluster headache)

Cơn đau đầu chùm thường lan ra khu vực xung quanh hoặc bên trong một mắt

Cơn đau đầu chùm thường lan ra khu vực xung quanh hoặc bên trong một mắt

Tuy không phổ biến như hai dạng đau đầu trên, đau đầu chùm hay đau đầu từng cụm lại gây ra nhiều khổ sở cho người mắc. Cơn đau xuất hiện bên vị trí trên hốc mắt, thái dương kéo dài từ 30-180 phút và có thể lặp lại nhiều lần trong ngày. Cơn đau đầu còn có thể đi kèm biểu hiện mắt đỏ và chảy nước mắt, nghẹt mũi, tai ù đặc, đổ mồ hôi.

Đau đầu chùm thường xảy ra vào đêm muộn hoặc sáng sớm, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của thời tiết theo mùa. Khác với người bị đau nửa đầu thích nằm nghỉ trong phòng tối, những người bị đau đầu chùm thường cảm thấy bồn chồn, nôn nao.

Để phòng ngừa đau đầu chùm tái phát, người bệnh nên kiêng thuốc lá và rượu bia, tránh tiếp xúc với mùi nồng nặc (nước hoa, hơi xăng). Không có cách chữa trị đặc hiệu cho chứng đau đầu chùm mà chỉ có thể làm giảm các triệu chứng bằng verapamil (giúp giãn cơ), thuốc sumatriptan (làm co mạch máu não). Liều lượng và chỉ định cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

Đau đầu do lạm dụng thuốc

Một số người mắc chứng đau đầu mạn tính dễ bị đau đầu hồi ứng – tức cơn đau xuất hiện dữ dội do sử dụng thuốc giảm đau nhiều lần (trên 10-12 ngày/tháng). Khi thuốc hết tác dụng, bạn lại bị đau đầu, khiến bạn càng phải uống nhiều thuốc hơn. Vòng tròn luẩn quẩn này khiến cơn đau đầu xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn.

TS. Kamourieh khuyến cáo, khi dùng thuốc giảm đau kê đơn hay không kê đơn, bạn đều cần tuân thủ hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ hoặc của nhà sản xuất. Không dùng thuốc liên tục trên 10 ngày. 

 
Quỳnh Trang (Theo Mirror)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh