Bảo vệ phổi cho người cao tuổi trong mùa Xuân

Mùa Xuân có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm phổi ở người già

Phòng bệnh thế nào khi gia đình có tiền sử tăng huyết áp?

4 dưỡng chất không thể thiếu cho phụ nữ trong mùa Đông

Biện pháp giảm ho và cảm lạnh tại nhà

Lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phổi

Phòng hen phế quản tái phát khi thời tiết nồm ẩm

Vì sao người già cần bảo vệ phổi trong mùa Xuân?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang. Bệnh thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân khi tiết trời lạnh hoặc thời tiết chuyển mùa dễ mắc viêm phổi, đặc biệt là người cao tuổi. Các tác nhân gây viêm phổi gồm: Vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác.

Người cao tuổi cần chú ý bảo vệ phổi trong mùa Xuân bởi:

- Mùa Xuân với điều kiện môi trường mưa ẩm rất thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là các bệnh đường hô hấp trong đó có viêm phổi.

- Hệ miễn dịch yếu: Sự lão hóa của hệ miễn dịch làm cho người già không chống lại được sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Phổi và phế quản bị lão hóa, xơ hóa dần, khả năng đàn hồi, giãn nở kém đi. Vì thế chức năng hô hấp cũng kém hơn.

- Mắc nhiều bệnh lý mạn tính: Người già thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính cả toàn thân và đường hô hấp như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính, viêm phế quản mạn, giãn phế quản...

- Bệnh diễn tiến âm thầm: Ở người lớn tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, thường không sốt, không ho nhiều, đôi khi chỉ là ho ít và ớn lạnh như một cảm cúm thông thường, dễ làm người bệnh và thân nhân chủ quan.

Biện pháp phòng viêm phổi cho người cao tuổi trong mùa Xuân

Môi trường ẩm thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công phổi

Môi trường ẩm thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công phổi

Môi trường sống sạch sẽ

Để bảo vệ phổi tránh viêm phổi cho người già, cần chú ý giữ gìn, vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, virus là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại.

Tập thể dục

Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.

Hạn chế chất kích thích

Người cao tuổi nên hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đây là yếu tố nguy cơ rất thường gặp gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác.

Tránh nhiễm lạnh

Người cao tuổi cần tránh để cơ thể nhiễm lạnh, không bất chợt ra nơi lộng gió, nhất là khi người đang ra nhiều mồ hôi. Cẩn thận khi phải ra vào những nơi có máy điều hòa nhiệt độ để không bị nóng - lạnh đột ngột. Ngày lạnh ẩm, gió nhiều, nên hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. Không nên làm việc quá sức.

Tiêm vaccine

Việc tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hàng năm không chỉ với người cao tuổi mà cả các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vaccine giúp chống viêm phổi, đặc biệt những trường hợp có bệnh phổi mạn, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65.

Chế độ ăn uống

Bổ sung dinh dưỡng phù hợp bằng cách sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, calci, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Người cao tuổi cũng nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Bảo đảm bổ sung từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày giúp đào thải những độc tố gây hại có nguy cơ phát bệnh viêm phổi.

Chủ động thăm khám

Trường hợp có triệu chứng của viêm phổi hoặc nghi ngờ viêm phổi đều cần đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và điều trị. Người bệnh không nên chủ quan hay tự mua thuốc kháng sinh về uống. Điều trị không đúng cách có thể khiến bệnh nặng hơn, gây ra biến chứng và tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

 
Nguyễn Thanh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già