Chế độ ăn low carb có gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không?

Low Carb là chế độ ăn kiêng được khá nhiều người ưa chuộng.

Thực hiện chế độ ăn low-carb thế nào để giảm cân bền vững?

Pizza trứng nấm cho chế độ eat-clean, low-carb, KETO và người ăn chay!

Tác dụng phụ dễ gặp khi thực hiện chế độ ăn low-carb

Những loại hạt thích hợp với chế độ ăn low-carb, Keto

Chế độ ăn low carb là gì?

Low carb (viết tắt của từ Low Carbohydrate - ít đường và tinh bột) là chế độ ăn kiêng dựa trên nguyên tắc cắt giảm tối đa hàm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể sau mỗi bữa ăn.

Trong chế độ ăn này, các thực phẩm giàu đường (như kẹo bánh, đồ uống có đường và tráng miệng) và tinh bột (như bánh mì, mì ống, cơm, khoai tây) sẽ được hạn chế hoặc loại bỏ. Thay vào đó bạn chỉ nên tập trung tiêu thụ các chất đạm và chất béo lành mạnh cho cơ thể.

Mục đích chính của chế độ ăn low carb nhằm khuyến khích cơ thể đốt cháy chất béo dự trữ để lấy năng lượng, thay vì phụ thuộc vào hàm lượng carbohydrate.

Low carb tác động đến chu kỳ kinh nguyệt như thế nào?

Dưới đây là một số tác động của chế độ ăn low carb lên chu kỳ kinh nguyệt:

1. Tác động tích cực

Điều hòa hormone: Đối với phụ nữ mắc các bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), kháng insulin hoặc mất cân bằng hormone, chế độ ăn low carb có thể giúp điều hòa hormone và cải thiện chu kỳ kinh nguyệt. Giảm lượng carbohydrate nạp vào giúp hạ thấp insulin, qua đó tác động tích cực đến sự cân bằng hormone.

Giảm triệu chứng PMS: Chế độ ăn low carb có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome - PMS) như đầy hơi, thay đổi tâm trạng và thèm ăn do mức đường huyết ổn định hơn và giảm viêm.

Cải thiện chu kỳ kinh nguyệt ở người thừa cân/béo phì: Đạt và duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua chế độ ăn low carb có thể tác động tích cực đến chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt trong các trường hợp thừa cân hoặc béo phì có thể góp phần gây ra kinh nguyệt không đều.

2. Tác động tiêu cực

Mặc dù chế độ ăn low carb có thể mang lại hiệu quả giảm cân nhất định. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vấn đề kinh nguyệt ở phụ nữ.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Epilepsia (Mỹ), rối loạn kinh nguyệt là một tác dụng phụ phổ biến được ghi nhận ở những người tham gia chế độ ăn low carb. Nguyên nhân được cho là do sự thay đổi đột ngột lượng carbohydrate nạp vào, dẫn đến mất cân bằng hormone và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, tình trạng này có thể thường xuyên xảy ra hơn trong giai đoạn đầu áp dụng chế độ ăn low carb.

Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Thể thao Quốc tế năm 2021 cũng cho thấy, vận động viên nữ thường có xu hướng tiêu thụ ít calo và carbohydrate hơn so với mức khuyến nghị, dẫn đến một số tác động tiêu cực, bao gồm: rối loạn kinh nguyệt và rối loạn trao đổi chất.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến nghị lượng calo hàng ngày nạp vào từ carbohydrate nên dao động trong khoảng 45 đến 65%. Việc cắt giảm lượng carbohydrate một cách đáng kể như trong chế độ ăn low carb có thể tác động tiêu cực đến mức độ hormone sinh dục như estrogen và progesterone, từ đó ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Làm thế nào để giảm tác động của chế độ ăn low carb đến chu kỳ kinh nguyệt?

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt trong khi theo đuổi chế độ ăn low carb, hãy thử áp dụng những cách sau:

1. Cắt giảm lượng carb từ từ

Thay vì cắt giảm carb đột ngột, hãy giảm lượng carb từ từ theo thời gian. Điều này giúp cơ thể bạn thích nghi dần dần và giảm nguy cơ rối loạn kinh nguyệt.

2. Lựa chọn tinh bột chất lượng

Rau, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám đều là nguồn carbohydrate từ thực phẩm toàn phần và giàu chất dinh dưỡng. Những thực phẩm này cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu và chất xơ đồng thời giúp điều chỉnh đường huyết.

3. Bổ sung chất béo lành mạnh

Hãy bổ sung các nguồn chất béo lành mạnh như dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt và cá béo vào chế độ ăn uống của bạn. Tránh các nguồn chất béo không lành mạnh như thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán và thức ăn nhanh để không ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone và duy trì sức khỏe tổng thể.

4. Uống đủ nước

Bất kể bạn có đang áp dụng chế độ ăn low carb hay không, hãy uống nhiều nước trong suốt cả ngày. Điều này sẽ giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể và duy trì sự cân bằng điện giải, rất quan trọng cho sự cân bằng hormone.

5. Hạn chế căng thẳng

Căng thẳng cũng là một nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, hãy tập trung vào việc giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày của bạn bằng cách thực hành yoga, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động giải trí khác,…

Tóm lại, chế độ ăn low carb có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ở một số phụ nữ. Tuy nhiên, tác động này có thể thay đổi tùy theo từng cá nhân và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, nếu bạn đang muốn bắt đầu một chế độ ăn Hãy tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi bắt đầu một chế độ ăn kiêng mới để tránh được những rủi ro không đáng có.

 
Việt An (Theo Healthshots)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp