- Chuyên đề:
- Kinh nghiệm nuôi con
Ngày nay, phương pháp ăn dặm bé chỉ huy được nhiều phụ huynh áp dụng
Lý do cha mẹ không nên đưa trẻ đi bơi trước 6 tháng tuổi
Podcast: Tại sao nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm bổ sung khi đủ 6 tháng?
Cho trẻ ăn dặm: Nên chọn rau củ nào?
Cho trẻ ăn dặm theo Baby-Led Weaning: Mẹ cần lưu ý gì?
Theo nghiên cứu của Đại học Colorado (Mỹ), chế độ ăn của trẻ ăn dặm tự chỉ huy (baby-led weaning) và trẻ được bón đồ ăn mềm từng thìa cung cấp lượng calo tương đương. Đây là dữ liệu thu thập từ thói quen ăn uống của 70 em bé 5 tháng tuổi khỏe mạnh sống ở thành phố Denver.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đề nghị phụ huynh theo dõi và báo cáo chế độ ăn uống của trẻ trong vòng 3 ngày. Phụ huynh cũng được yêu cầu cân thực phẩm trên đĩa trước và sau bữa ăn để tính xem trẻ đã ăn bao nhiêu. Đến khi trẻ được 9 và 12 tháng tuổi, cha mẹ làm lại báo cáo tương tự. Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra cân nặng và các số đo của trẻ tại các mốc thời gian trên.
Từ các thông tin thu được, nhóm nghiên cứu nhận thấy có 35 trẻ thực hiện chế độ ăn tự chỉ huy. Nguyên lý của chế độ ăn này là cha mẹ đặt trực tiếp thức ăn đã được cắt miếng nhỏ, vừa tay lên khay và cho trẻ tự cầm nắm hoặc tự xúc ăn theo cách trẻ muốn. Khi ăn dặm theo phương pháp này, trẻ ăn chủ yếu thực phẩm thô, lượng thực phẩm nghiền nhuyễn (dạng sinh tố, cháo bột) cung cấp chưa tới 10% tổng lượng calo.
Ở nhóm đối chứng, các nhà khoa học lựa chọn 35 em bé có đặc điểm giới tính, chủng tộc, nuôi bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức… tương tự nhóm ăn dặm tự chỉ huy. Tuy nhiên, trẻ được nuôi bằng phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống, tức là người lớn đút thức ăn cho trẻ bằng thìa.
Kết quả cho thấy, lượng calo trẻ nạp vào ở cả hai nhóm không có sự khác biệt đáng kể. Ở thời điểm 9 tháng tuổi, nhóm trẻ ăn dặm tự chỉ huy ăn nhiều protein hơn 22% so với nhóm còn lại. Tuy nhiên, đến 12 tháng tuổi, lượng protein trong chế độ ăn của cả hai nhóm lại trở về tương đương.
Tại mốc 9 tháng và 12 tháng, trẻ ăn dặm tự chỉ huy tăng nhiều cân hơn, dù chênh lệch tương đối nhỏ. ThS. Kinzie Matzeller – chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Colorado, Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Nếu chỉ nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của trẻ ăn dặm tự chỉ huy và trẻ ăn dặm truyền thống thì tôi không thể phân biệt được. Ngay cả khi nhìn trẻ ngoài đời cũng khó nhận ra sự khác nhau”.
Chuyên gia Matzeller lý giải, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy phổ biến nhất ở nhóm bà mẹ có trình độ đào tạo Đại học, thu nhập hàng năm của hộ gia đình cũng cao hơn. Điều này cho thấy phương pháp này được ưa thích hơn ở gia đình tầng lớp trung lưu, khi cha mẹ có thời gian và điều kiện để cho trẻ tự ăn dặm theo ý thích.
Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu tại Vương quốc Anh lại cho kết quả trái ngược: Trẻ ăn dặm tự chỉ huy nạp ít năng lượng cơn, còn trẻ được đút thức ăn dặm và uống sữa công thức lại tăng cân.
Chuyên gia Matzeller gợi ý cha mẹ quan tâm đến phương pháp ăn dặm tự chỉ huy nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm như rau củ hấp, thịt cắt miếng nhỏ, trái cây mềm, phô mai. Trẻ thường phải tiếp xúc với một món ăn 15 lần mới bắt đầu chịu ăn, cha mẹ cần kiên nhẫn trong quá trình này.
Kết quả nghiên cứu được chia sẻ rộng rãi tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ vào cuối tháng 6 vừa qua. Các nhà khoa học cho rằng, cần có thêm nhiều nghiên cứu về chế độ ăn dặm tự chỉ huy để tìm ra lợi ích sức khỏe thực sự của phương pháp này.
Bình luận của bạn