ĐT Việt Nam: Thua để thay đổi và để thắng

ĐT Việt Nam dù thua nhưng đã chơi tốt ở những trận đấu đã qua

ĐT Việt Nam thua đậm ĐT Hàn Quốc: Vẫn có lãi

ĐT Việt Nam thua Trung Quốc: Hợp lý thôi

Ông Troussier quá liều lĩnh?

Công Phượng tỏa sáng, HLV Troussier lập kỷ lục thắng cùng ĐT Việt Nam

Đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng về ĐT Việt Nam dưới thời ông Philippe Troussier sau 3 trận giao hữu quốc tế với các đối thủ mạnh là ĐT Trung Quốc, ĐT Uzbekistan (cùng thất bai với tỷ số 0-2) và ĐT Hàn Quốc (0-6). Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ông thầy người Pháp không đáng bị nghi ngờ năng lực như nhiều người nặng lời chỉ trích và chúng ta cần phải chờ đợi, giữ vững niềm tin khi mọi chuyện mới chỉ là giao hữu, thử nghiệm và điều quan trọng phải là các trận đấu chính thức từ tháng 11 tới.

Thực ra, nên nhớ rằng, dám mời và mời được để đá giao hữu với những đội bóng hàng đầu châu lục đã là thành công của ông thầy người Pháp, bởi không dễ để đối thủ chấp nhận thi đấu với bóng đá vùng trũng như Việt Nam, điều mà dư luận ở Hàn Quốc gần đây đã nói lên điều đó. Hơn nữa, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang lên, đang tràn trề năng lượng và tham vọng vươn tầm nên đối thủ mới dễ dàng chấp nhận “chơi” với chúng ta, dù chắc chắn việc họ trên cơ là điều không cần bàn cãi. Thử hỏi đã bao giờ và có huấn luyện viên ngoại hay nội nào dám làm và được làm như ông thầy người Pháp trước khi bước vào trận cam go thực sự?

Đi từ các đội bóng trung bình như Hong Kong Trung Quốc, Syria và Palestin đến các đội bóng mạnh thực sự Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc, rõ ràng ông Troussier có cách đi đúng, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, để từng bước nhận diện lực lượng và chuẩn bị cho một chiến dịch dài hơi đầy khó khăn mà chúng ta từng biết và đã từng …thất bại. Ông thầy này rõ ràng không thể chỉ tin dùng vào một đội hình gần như cố định để thi đấu ở tất cả các giải, từ vòng loại thứ hai đến hết vòng loại thứ 3 World Cup, bởi đó đã là một đội hình không thành công nên buộc phải thay đổi, bổ sung và làm mới.

ĐT Việt Nam đã có cơ hội để thắng hoặc chí ít có kết quả tốt trước ĐT Trung Quốc

ĐT Việt Nam đã có cơ hội để thắng hoặc chí ít có kết quả tốt trước ĐT Trung Quốc

Xem kỹ 3 trận đấu mới đây, để thấy gần như ông Troussier đã tung ra sân hầu hết số cầu thủ mang theo, để “mục sở thị” về những gì ông đã nhìn thấy từ trong quá khứ, ở V-League, ở các đợt tập trung…Đội hình ra sân hiệp 1 trận gặp ĐT Trung Quốc rõ ràng đang là đội hình “thành công” nhất bởi họ chơi kiểm soát tốt và không để thủng lưới. Đội hình ở hiệp 2 trận đấu này được bổ sung các nhân tố trẻ được hy vọng nhất nhưng rõ ràng đã không thể “kiểm soát bóng tấn công” như phương châm ông thầy đặt ra.

Trận đấu kín với ĐT Uzbekistan với khá nhiều gương mặt được giữ lại từ trước như Duy Mạnh, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Văn Toàn, Tuấn Hải, Tuấn Tài, Tiến Anh…(như một sự tiếp tục kiểm nghiệm) và những nhân tố mới, trẻ như Đình Triệu, Văn Việt, Đức Chiến, Văn Toản, Văn Luân, Minh Trọng, Thái Sơn…Để rồi kết quả trận đấu đang cho thấy cánh phải ĐT Việt Nam nơi có mặt của Tiến Anh đang bị khai thác triệt để ở cả 2 trận đấu và là nguyên nhân trực tiếp của 2 bàn thua khi bị phản công. Chấn thương không may mắn của Quang Hải, chiếc thẻ đỏ trong trận gặp Trung Quốc và những phút mờ ảo trong trận gặp Uzbekistan cũng sẽ khiến cho vị trí của 2 “công thần” Quang Hải và Tiến Linh bị lung lay dữ dội? Chấn thương quá sớm của Văn Cường và Việt Hưng cũng sẽ khiến cho họ khó được tin dùng trong trận quyết định danh sách cuối cùng gặp Hàn Quốc …

Và điều rất đáng lưu ý là sau trận đấu thất bại trước Uzbekistan ông Troussier đã buộc phải nói ra điều mà chính đông đảo người hâm mộ lo lắng về triết lý “kiểm soát bóng tấn công” rõ ràng là không thực tế và không có hy vọng với ĐT Việt Nam khi gặp những đội bóng hàng đầu châu lục. Không phải từ bỏ để quay về bổn cũ “phòng ngự-phản công” truyền thống, nhưng trước đối thủ như Hàn Quốc, chính họ mới là người kiểm soát bóng chứ không phải Văn Lâm và đồng đội.

Chính vì thế, ĐT Việt Nam dù muốn thì khả năng lớn nhất cũng chỉ kiểm soát được 30-35% thời lượng, còn lại là phòng ngự, phòng ngự và tìm kiếm cơ hội phản công. Thực ra, đây là điểm yếu dưới thời ông Troussier và chính là điểm mạnh dưới thời ông Park Hang-seo, ông Calisto và là điểm mạnh truyền thống của bóng đá Việt Nam.

Để thấy, thực tế sẽ là kiểm nghiệm chính xác nhất cho mọi lý thuyết dù hay ho và cao siêu trên lời nói. Để thấy, thua là cơ hội để nhận biết mình, để bổ sung, thay đổi và vươn dần tới chiến thắng. Chính đội hình được lựa chọn để thi đấu với Hàn Quốc khả năng cao sẽ là những quân bài chủ chốt của ông Troussier thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup tới đây.

Những cầu thủ được tung vào sân ở trận đấu với ĐT Hàn Quốc cũng đc xem là những cầu thủ mà HLV Troussier rất ưng ý.

Những cầu thủ được tung vào sân ở trận đấu với ĐT Hàn Quốc cũng đc xem là những cầu thủ mà HLV Troussier rất ưng ý.

Và giống như những gì đã thấy ở SEA Games 32 dù thất bại, ở trận giao hữu cuối cùng này, ông thầy vẫn tin dùng Tiến Anh, tin dùng Đình Bắc và cả Văn Khang, Văn Cường..dù bên kia đối thủ có cả loạt tuyển thủ đang chơi bóng ở trời Âu. Dù thất bại nặng nề nhưng cái chính là hiệu quả phòng ngự của ĐT được nâng lên, khả năng cầm giữ bóng được duy trì và trình độ chuyển trạng thái đã hé lên nhiều tia sáng. Nếu chỉn chu và may mắn hơn, ĐT Việt Nam có thể đạt được một kết quả yên tâm hơn, hy vọng hơn là chắc chắn và có cơ sở từ cú sút của Tiến Anh hay Văn Khang…

Vấn đề đặt ra ngay lập tức là ĐT Việt Nam phải nhanh chóng rút ra những bài học cụ thể, xương máu về thực trạng lực lượng, cách chọn lựa đội hình, tổ chức định hình lối chơi sao cho phù hợp với bước đi, bước tiến trước mọi đối thủ, trước hết ở Vòng loại thứ 2 khi đối đầu với Indonesia, Iraq, Philippine…trước khi tính chuyện vươn ra châu lục với các đội bóng hàng đầu.Rõ ràng cánh cửa ĐT Việt Nam vẫn còn mở ra với Văn Hậu, Tấn Tài, Công Phượng hay Xuân Mạnh, Văn Quyết và bất cứ ai duy trì được phong độ và luôn ham muốn cống hiến cho ĐT Việt Nam?

“Đường dài mới biết ngựa hay” – hy vọng thi đấu thực sự ở chiến dịch World Cup 2026 mới biết được “kỵ sĩ” Troussier là ai, điều binh khiển tướng ra sao và những ai thực sự là “ngựa chiến/hay” thực sự tung vó trên thảo nguyên mênh mông nhiều núi cao khó vượt của nền bóng đá châu lục?

 
Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe