Dư thừa protein gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe
5 lầm tưởng phổ biến và sự thật về protein
Ăn trứng có giúp bạn giảm cân?
Cẩn trọng với 5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu protein
5 loại rau giàu protein nên bổ sung vào chế độ ăn uống
Protein hay còn được gọi là chất đạm. Chúng có cấu tạo từ nhiều loại acid amin khác nhau theo trình tự riêng biệt. Có nhiều loại acid amin cơ thể con người không thể tự tổng hợp được. Bạn cần bổ sung từ bên ngoài, bằng cách ăn các thực phẩm một cách đa dạng. Nếu cơ thể thiếu protein, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, bệnh tật… Một số loại thực phẩm giàu đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa…
Tuy nhiên, protein cung cấp vào cơ thể nên vừa đủ, tránh dư thừa. Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo bạn đang ăn quá nhiều protein:
Hôi miệng
Tại sao dư thừa protein gây hôi miệng?
Hạn chế lượng carbohydrate (tinh bột) và tăng lượng protein nạp vào cơ thể có thể dẫn đến hôi miệng. Điều này xảy ra vì khi thiếu carbohydrate, cơ thể bạn chuyển sang trạng thái ketosis (trạng thái chuyển hóa của cơ thể sau khi cắt giảm lượng carbohydrate nạp vào. Khi trạng thái này được thiết lập, cơ thể bạn sẽ đốt cháy chất béo, thay vì glucose, để tạo ra năng lượng). Quá trình sử dụng chất béo sẽ tạo ra ketone, chất khiến hơi thở của bạn có mùi như nước tẩy sơn móng tay.
Khó tiêu
Một dấu hiệu khác biểu hiện sự quá tải protein là khó tiêu. Khi ăn nhiều thịt, cá, thiếu chất xơ từ rau xanh hệ tiêu hóa sẽ lên tiếng cảnh báo. Đầy hơi, khó tiêu, táo bón là những dấu hiệu thường gặp nhất. Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng nhiều sản phẩn từ sữa có thể gây ra tình trạng tiêu chảy.
Hội chứng "sương mù não" ảnh hưởng đến chất lượng công việc của người bệnh
"Sương mù não" là tình trạng rối loạn chức năng tập trung, bao gồm các triệu chứng đãng trí, mất phương hướng, suy nghĩ chậm chạp. Nếu gặp phải tình trạng này, có thể đó là do lượng protein dư thừa trong cơ thể bạn gây ra. Khi ăn quá nhiều protein, bạn không nạp đủ carbohydrate cần thiết, khiến cho não bộ "đình công", ngừng hoạt động trong khoảng thời gian nhất định.
Mất nước
Một nghiên cứu năm 2002 cho thấy rằng tăng lượng protein có thể làm giảm mức độ hydrat hóa. Tình trạng mất nước là do thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng protein dư thừa và chất thải nitơ từ quá trình chuyển hóa protein. Hậu quả khiến cơ thể bị khát, gây tổn hại đến thận và dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận.
Tăng cân
Chế độ ăn quá nhiều protein có thể phản tác dụng, khiến bạn tăng cân chứ không giúp giảm cân. Protein là thành phần chính giúp hình thành cơ bắp nên khi ăn kiêng và tập luyện, bạn luôn được khuyến khích nạp nhiều protein. Tuy nhiên, nhiều không có nghĩa là ăn bao nhiêu cũng được. Khi nạp quá nhiều thực phẩm chứa protein, bạn sẽ thấy cân nặng của mình tăng lên.
Nên ăn bao nhiêu protein mỗi ngày là đủ?
Lượng protein cần nạp vào cơ thể phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính, phụ nữ mang thai và cho con bú, mức độ hoạt động thể chất...
Nhìn chung, 1 người trưởng thành lượng protein được khuyến nghị ăn mỗi ngày là 0,8gr/kg trọng lượng cơ thể.
Đối với người tham gia hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải đến cường độ cao thì lượng protein nạp vào có thể nằm trong khoảng từ 1,3gr - 1,6gr/kg trọng lượng cơ thể.
Lưu ý, trong mọi trường hợp, lượng protein ăn vào hàng ngày không được vượt quá 1,6gr/kg trọng lượng cơ thể.
Bình luận của bạn