Liệu pháp ánh sáng đỏ có thể giúp cải thiện đường huyết?

Liệu pháp ánh sáng đỏ không xâm lấn và không gây đau cho hầu hết mọi người.

Hoạt động thể chất và bệnh đái tháo đường: Vượt qua thử thách thời tiết

Liệu pháp ánh sáng có thể giúp điều trị táo bón hiệu quả

4 điều có thể bạn chưa biết về ánh sáng xanh

Tại sao mắc đái tháo đường type 2 lại bị sưng, phù chân?

Các nhà nghiên cứu tại Anh đã nghiên cứu tác động của ánh sáng đỏ lên lượng đường trong máu. Phát hiện của họ, được công bố vào ngày 20/2 trên tạp chí Biophotonics, có thể đặt nền tảng cho các lựa chọn điều trị mới cho bệnh đái tháo đường loại 2.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã lựa chọn 30 người tham gia khỏe mạnh, chia thành hai nhóm: nhóm điều trị bằng ánh sáng đỏ và nhóm giả dược.

Cả hai nhóm đều trải qua 2 bài xét nghiệm đường huyết khi đói để lấy giá trị đường cơ bản. Sau đó, nhóm điều trị được chiếu ánh sáng đỏ trực tiếp lên da trần ở phần trên lưng trong 15 phút. Việc chiếu sáng được thực hiện 45 phút trước khi tiến hành xét nghiệm đường huyết lần thứ hai. Nhóm giả dược cũng được thực hiện tương tự nhưng không được chiếu sáng.

Kết quả cho thấy, so với giá trị đường cơ bản, nhóm điều trị bằng liệu pháp ánh sáng đỏ có mức đường huyết giảm gần 30% trong vòng 2 giờ. So với nhóm giả dược, nhóm điều trị bằng ánh sáng đỏ có mức giảm tổng lượng đường trong máu theo thời gian là 7.3%.

Ngoài ra, liệu pháp ánh sáng đỏ cũng giúp giảm thiểu các đợt đường huyết tăng đột ngột sau khi ăn glucose, với mức giảm 7.5% lượng đường huyết đỉnh điểm (cao nhất) so với nhóm giả dược.

Tiến sĩ Michael Powner, Giảng viên cao cấp về Sinh học thần kinh tại Đại học London (Anh) và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Một liều duy nhất ánh sáng đỏ 670 nanomet ở người khỏe mạnh có thể giảm lượng đường trong máu và mức đỉnh của nó sau khi thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết tiêu chuẩn."

Nghiên cứu này cho thấy liệu pháp ánh sáng đỏ có tiềm năng giúp giảm lượng đường trong máu, tuy nhiên đây chỉ là kết quả của một nghiên cứu nhỏ trên 30 người tham gia. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho biết cần thêm nhiều nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để xác nhận kết quả này.

Liệu pháp ánh sáng đỏ hoạt động như thế nào?

Có nhiều dạng liệu pháp ánh sáng khác nhau, tùy thuộc vào bước sóng của ánh sáng được sử dụng. Bước sóng cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc và khả năng nhìn thấy của ánh sáng. Trong thí nghiệm này và các nghiên cứu tương tự khác, ánh sáng được sử dụng là ánh sáng đỏ 670 nm, tức là ánh sáng có bước sóng 670 nanomet.

Dạng ánh sáng đỏ này được biết là ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong tế bào, từ đó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu thông qua ti thể, nhưng cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu hoàn toàn.

Ti thể là nguồn năng lượng của tế bào, sử dụng oxy và glucose để sản xuất ATP (Adenosine triphosphate) - nguồn năng lượng cho các chức năng sinh hóa thiết yếu cho sự sống. Người ta tin rằng việc tiếp xúc ti thể với ánh sáng đỏ 670 nm làm tăng sản xuất ATP và do đó, nhu cầu về glucose cũng tăng lên.

"Cơ chế chính xác vẫn chưa được biết rõ. Các nghiên cứu trước đây báo cáo rằng ánh sáng đỏ làm tăng năng lượng bằng cách đốt cháy glucose trong ti thể. Vì vậy, có lẽ việc tăng hoạt động của ti thể sẽ làm giảm glucose bằng cách hút nó ra khỏi máu," Powner nói.

Các hình thức liệu pháp ánh sáng khác hoạt động theo những cách khác nhau, bao gồm liệu pháp ánh sáng xanh, được sử dụng cho các vấn đề về da tại chỗ như mụn trứng cá. Liệu pháp ánh sáng, sử dụng hộp đèn cường độ cao, được dùng cho rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder - SAD) và trầm cảm. Ánh sáng tím cũng có thể được sử dụng để khử trùng, vệ sinh và tiêu diệt vi sinh vật.

 
Việt An (Theo Healthline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp