Người cao tuổi vẫn cần duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh trong mùa Thu - Đông
Hoạt động giúp người cao tuổi chăm sóc sức khỏe tinh thần
Tâm bệnh ở người cao tuổi
Lưu ý giúp người cao tuổi sống khỏe với bệnh tăng huyết áp
Làm sao giúp người cao tuổi kiểm soát đái tháo đường tốt hơn?
Thời tiết chuyển mùa Thu – Đông là giai đoạn nhạy cảm với sức khỏe của mọi đối tượng. Riêng với người cao tuổi, thời tiết lạnh kèm mưa dễ khiến các bệnh về xương khớp (thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp) tái phát. Vận động, tập thể dục đều đặn không chỉ tốt cho tim mạch mà còn giúp người cao tuổi duy trì sự dẻo dai, linh hoạt của cơ thể.
Có lợi là vậy, việc tập thể dục vào sáng sớm hoặc khi thời tiết lạnh giá lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp. Theo nhịp sinh học của cơ thể, huyết áp sẽ tăng cao tự nhiên trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy. Sáng sớm cũng là thời điểm thuốc điều trị tim mạch, huyết áp của ngày hôm trước đã giảm tác dụng đáng kể.
Sự kết hợp của các yếu tố trên khiến người cao tuổi có nguy cơ cao gặp phải các biến cố tim mạch như: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Thậm chí, một số người còn bị trúng gió, liệt dây thần kinh số 7, hạ thân nhiệt đột ngột… do nhiễm lạnh.
Do đó, người cao tuổi, đặc biệt khi mắc bệnh nền, cần tránh tập thể dục vào sáng sớm khi trời trở lạnh, có mưa ẩm, nhiệt độ giảm đột ngột. Thay vào đó, hãy chú ý một số thông tin sau khi tập thể dục trong thời tiết lạnh:
Cân nhắc thời tiết trước khi tập
Người cao tuổi cần hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, có sương mù và gió mạnh (từ 21h đêm đến 6h sáng). Thay vào đó, người cao tuổi có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà, ở nơi không có gió lùa. Nếu lựa chọn vận động ngoài trời, hãy tập vào khoảng 8-9 giờ sáng hoặc vào 4-5 giờ chiều. Buổi chiều cũng là thời điểm thân nhiệt tăng cao nhất trong ngày, cho phép cơ thể tập luyện cường độ cao.
Giữ ấm cơ thể
Để bảo vệ sức khỏe khi tập thể dục trong mùa Đông, người cao tuổi trước hết cần giữ ấm cơ thể. Lời khuyên dành cho người cao tuổi là mặc quần áo thành nhiều lớp, với lớp trong cùng là đồ tập thể thao chuyên dụng, làm từ chất liệu thoáng khí. Sau đó, mặc thêm bên ngoài 1-2 lớp áo gió, áo khoác chống thấm nước.
Ngoài ra, tùy theo thời tiết, người cao tuổi nên mang theo găng tay, đội thêm mũ để giữ ấm đầu và tai, đi giày tất ấm. Khi thấy cơ thể ấm lên, toát mồ hôi, có thể cởi bỏ một vài lớp áo mỏng ra ngoài.
Khởi động trước khi tập
Người cao tuổi cần khởi động, làm ấm cơ thể kỹ càng trước khi tập thể dục trong thời tiết lạnh, nhất là khi tập ngoài trời. Khởi động không chỉ giúp các khớp linh hoạt, mà còn giảm nguy cơ chấn thương, sốc nhiệt khi bước ra ngoài trời. Người cao tuổi nên dành ít nhất 10 phút để giãn cơ tại chỗ, kết hợp các giãn cơ động (xoay cánh tay, xoay hông, bật nhảy, chạy tại chỗ).
Uống đủ nước
Trời lạnh làm giảm cảm giác khát, khiến nhiều người quên mất việc uống nước đều đặn. Trong khi đó, thời tiết hanh khô kết hợp quá trình vận động khiến cơ thể mất nước, độ nhớt máu tăng, dễ gây ra những biến cố nguy hiểm do tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim. Do vậy, người cao tuổi cần uống nước đều trong ngày, đặc biệt là trước và sau khi tập.
Không tắm nước nóng ngay sau khi tập thể dục
Người cao tuổi nên tập các bài thể dục vừa với sức của mình, không tập quá lâu gây mất sức. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi, cần trở về nhà để lau khô và thay quần áo.
Lưu ý không tắm nước nóng ngay sau khi tập thể dục, bởi việc làm này có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu não. Tốt nhất, người cao tuổi nên chờ khoảng 20 phút cho thân nhiệt ổn định trở lại, mồ hôi ráo, nhịp tim và hơi thở điều hòa, lau khô người rồi mới đi tắm.
Bình luận của bạn