Áp lực công việc, học hành có thể khiến cơn đau nửa đầu xuất hiện
Làm sao tránh tình trạng đau đầu khi thay đổi thời tiết?
Đau đầu vào buổi sáng: Làm thế nào để cải thiện?
Nhức đầu chùm còn ảnh hưởng nặng nề tới phụ nữ
Thực đơn cho người bị đau nửa đầu
Nguyên nhân nào gây đau nửa đầu?
Đau nửa đầu (còn gọi là migraine, đau đầu vận mạch) thường xảy ra ở một bên đầu, gây ra những triệu chứng như đau theo cơn và giật giật như nhịp mạch đập.
Dù có vô số công trình nghiên cứu, nhưng cho đến nay y học vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây đau nửa đầu. Một số giả thuyết cho rằng, nguyên nhân đau nửa đầu là do sự kết hợp của các hormone như serotonin và estrogen, nên thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
Hiện nay phương pháp điều trị đau nửa đầu mới chỉ dừng lại ở điều trị triệu chứng và dự phòng các cơn đau. Người mắc chứng đau nửa đầu được khuyến cáo điều chỉnh lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây đau đầu.
Theo tổ chức từ thiện Migraine Trust (Vương quốc Anh), các yếu tố kích hoạt cơn đau nửa đầu có thể thay đổi theo thời gian. Đồng thời, đa phần các cơn đau đầu tái phát là do sự kết hợp của nhiều tác nhân.
Ví dụ, một người phụ nữ có các tác nhân kích thích đau nửa đầu là: Stress, thay đổi nội tiết tố và nhịn ăn. Một ngày cô tan làm muộn sau một cuộc họp căng thẳng, mệt mỏi vì sắp "đến tháng", nên cô đi ngủ mà không ăn tối. Khả năng cao người này sẽ bị cơn đau nửa đầu tấn công.
Mỗi người có ngưỡng chịu đựng khác nhau đối với những tác nhân gây đau nửa đầu. Bạn cần nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình, đồng thời đề phòng sự kết hợp của nhiều yếu tố khiến cơn đau nhức đầu thêm nặng:
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
- Nhịn ăn quá lâu.
- Mức độ stress tăng hoặc giảm bất thường.
- Sử dụng quá nhiều hoặc quá ít caffeine (so với mức thường ngày).
- Mất nước.
- Tập thể dục quá sức.
- Phụ nữ đến ngày hành kinh.
- Uống rượu bia.
- Ăn một số thực phẩm chứa mì chính, hoặc thịt muối, phomai được ủ lâu ngày (chúng chứa tyramine dễ kích hoạt đau nhức đầu).
- Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc.
- Hoạt động dưới nhiệt độ cao.
- Tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
- Đang gặp tình trạng đau nhức cổ.
- Tiếp xúc với một số mùi hương nhất định, như mùi nước hoa đậm.
Làm thế nào để phòng ngừa đau nửa đầu?
Một số yếu tố trong danh sách trên không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, như thời tiết nắng nóng hay ngày hành kinh mỗi tháng. Tuy nhiên, bạn có thể chủ động giảm thiểu các nguy cơ diễn ra cùng lúc. Ví dụ, chị em trong ngày "đèn đỏ" nên tránh uống quá nhiều cà phê, tập thể dục quá sức.
Cleveland Clinic cũng gợi ý một số thói quen lành mạnh giúp giảm tần suất đau nửa đầu, cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau:
- Ăn bữa chính và bữa phụ vào những khung giờ cố định.
- Ngủ và thức đúng giờ, tránh ngủ nướng vào dịp cuối tuần.
- Uống đủ nước, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng.
- Tập thể dục đều đặn, vừa sức.
- Lựa chọn các biện pháp giải tỏa căng thẳng, thư giãn lành mạnh.
Người gặp chứng đau nửa đầu nên thăm khám đều đặn, chia sẻ với bác sỹ để tìm ra phác đồ dùng thuốc, điều chỉnh lối sống hiệu quả nhất.
Bình luận của bạn