Rung chân là bệnh gì và 9 nguyên nhân gây rung chân thường gặp
SUCKHOE+ | Tình trạng rung hay run chân có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân, từ hội chứng chân không nghỉ, tới run chân do các bệnh lý nghiêm trọng hơn như sa sút trí tuệ. Dù run chân nhẹ hay nghiêm trọng, tình trạng này đều có thể ảnh hưởng tới khả năng vận động, đi lại của người bệnh.
Dưới đây là các nguyên nhân có thể gây run chân bạn nên chú ý:
Run chân do bệnh lý thần kinh
Run là tình trạng co cơ không tự chủ, diễn ra theo nhịp điệu. Cơn run cũng có thể diễn ra theo từng đợt, kéo dài trong một vài phút hoặc dai dẳng hơn.
Nhiều bệnh lý gây tổn thương hệ thần kinh có thể là nguyên nhân gây run chân, ví dụ như đa xơ cứng, đột quỵ, chấn thương não, do có khối u trong não… Ngoài ra, suy gan và suy thận cũng có thể dẫn tới tình trạng run chân.
Run tư thế đứng nguyên phát là một nguyên nhân khác hiếm gặp, nhưng thường ảnh hưởng trực tiếp tới đôi chân. Người mắc tình trạng này thường gặp phải các cơn run chân đột ngột khi đang đứng. Đây có thể là một biến thể của chứng run vô căn, một dạng run di truyền nhưng chưa được làm rõ nguyên nhân gây run. Việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp kiểm soát các triệu chứng run chân.
Hội chứng chân không nghỉ
Người mắc hội chứng chân không nghỉ có thể cảm thấy không kiểm soát được việc phải cử động chân. Tuy nhiên, trên thực tế, hội chứng chân không nghỉ gây ra những cử động chân một cách tự nguyện do cảm giác khó chịu, ngứa ran, nóng rát hoặc thậm chí đau đớn của người bệnh khi không cử động chân.
Người mắc hội chứng chân không nghỉ thường gặp các triệu chứng về đêm, dù tình trạng này có thể hiện bất cứ lúc nào trong ngày.
Hội chứng chân không nghỉ có thể gây ra tình trạng run, rung chân
Hội chứng chân không nghỉ thường phổ biến ở phụ nữmang thai, người bị suy dinh dưỡng hay người bị tổn thương thần kinh (do các bệnh lý như đái tháo đường). Do đó, việc điều trị các bệnh liên quan, dùng thuốc làm giảm cảm giác khó chịu có thể giúp cải thiện hội chứng chân không nghỉ.
Chứng loạn vận động muộn
Việc dùng một số loại thuốc giúp điều trị các vấn đề tâm thần, vấn đề về đường tiêu hoá có thể gây ra chứng loạn vận động muộn. Đây là một rối loạn vận động không tự nguyện, gây ra các chuyển động không kiểm soát trên khắp cơ thể, bao gồm cả ở chân, tay, mặt và thân mình.
Theo đó, các loại thuốc trên có thể làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến khả năng vận động. Các bác sĩ có thể cho bạn chuyển sang một loại thuốc thay thế để kiểm soát tình trạng này.
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu có thể gây run chân tạm thời khi cơ thể kích hoạt phản ứng “chiến hay chạy" (fight or flight). Cơn run chân sẽ tự hết khi nỗi lo qua đi. Tuy nhiên, một số người với chứng rối loạn lo âu mạn tính có thể gặp phải tình trạng run chân mạn tính.
Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như ngồi thiền, tập thể dục đều đặn… có thể giúp cải thiện cơn run.
Uống nhiều rượu bia có thể thay đổi cách não bộ và hệ thần kinh hoạt động, từ đó gây ra chứng run như run chân. Bạn nên trao đổi với các chuyên gia để tìm cách cai rượu bia an toàn, từ đó giải quyết được tình trạng run chân.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên là một dạng tổn thương thần kinh có thể gây ra cảm giác ngứa ran, đau đớn bất thường ở tay và chân, từ đó dẫn tới run hay các chuyển động bất thường khác.
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thần kinh ngoại biên, đặc biệt là ở những người có lượng đường huyết cao, không được kiểm soát. Điều chỉnh liều hoặc loại thuốc điều trị đái tháo đường, cũng như tham khảo các liệu pháp bổ sung khác (như massage) có thể giúp cải thiện run chân do bệnh thần kinh ngoại biên.
Sa sút trí tuệ
Dạng tổn thương não bộ này có thể ảnh hưởng tới cả các vùng não kiểm soát vận động, từ đó gây ra tình trạng run tay hoặc run chân bất thường. Dù hiện chưa có cách chữa khỏi sa sút trí tuệ, song người bệnh có thể tham khảo dùng thuốc, vật lý trị liệu… để giảm triệu chứng, cải thiện khả năng vận động.
Cường giáp
Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể khiến một số hoạt động trong cơ thể diễn ra nhanh hơn. Do đó, người bị cường giáp có thể gặp phải tình trạng co thắt cơ, run chân hoặc run tay, lo lắng, bồn chồn… khó kiểm soát. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chẹn beta, thuốc điều trị cường giáp để giúp giảm triệu chứng.
Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là rối loạn thần kinh ảnh hưởng tới não và các dây thần kinh. Bệnh gây ra tình trạng run tay chân, đặc biệt là run chân và làm suy yếu khả năng vận động. Các triệu chứng này thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Nhiều chuyên gia cho rằng bệnh Parkinson gây ra tình trạng run do thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine. Việc dùng thuốc có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng vận động.
Bình luận của bạn