Sứa lá dung vào mùa!

Sứa lá dung là món ăn đặc sản tại vùng biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Đến Vinh ăn gì?

Mùa cá khoai!

Đặc sản Hà Tĩnh – Ăn một lần, nhớ cả đời!

Đặc sắc ẩm thực ở xứ sở hoa tam giác mạch

miền Trung, đặc biệt vùng biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nơi có biển, có rừng đã có một món ăn dân dã nhưng chứa đựng sự tinh tế đến từng chi tiết: sứa lá dung. Một thứ quà mà trời ban cho vùng đất này, để rồi qua bàn tay người dân, nó trở thành một món ngon trọn vẹn cả sắc, hương, vị; lưu giữ được trọn vẹn tinh thần của một miền quê biển.

Mùa sứa – Khi biển vàng dâng tặng những “miếng thạch” trong veo

Sứa không phải thứ có thể tìm thấy quanh năm, mà phải đợi khi gió nồm nam thổi về, nước biển xanh trong, mát lành, lúc ấy những đàn sứa mới bắt đầu trôi trên mặt nước. Từ tháng 12 đến tháng 4 âm lịch, dân chài nơi đây lại nhộn nhịp dong thuyền ra khơi, len lỏi giữa con sóng để kéo từng mẻ sứa tươi ngon.

Sứa biển có nhiều bộ phận, trong đó thường dùng phần chân sứa để làm món sứa lá dung – phần nhỏ, trong suốt, viền xanh nhạt, thân mềm mà giòn. Phần chân sứa này giữ được độ giòn sật đặc trưng khi ngâm với nước lá dung, không dai như phần thân sứa, cũng không bở như phần đầu sứa. Mùa sứa không dài, vì vậy khi vào vụ, phải tranh thủ đem sứa về chế biến ngay khi còn tươi.

Lá dung – Thứ lá rừng làm nên linh hồn món ăn

Nếu chỉ có sứa không thôi thì món ăn này cũng chẳng có gì đặc biệt. Cái làm nên hương vị riêng biệt của sứa miền Trung chính là lá dung: một loại lá nhỏ, mép hơi răng cưa, mọc hoang trên những triền đồi khô cằn. Một loại lá chẳng ai trồng, chẳng ai chăm, nhưng đến mùa, cứ thế mà tươi tốt.

Lá dung đặc biệt ở chỗ, khi nấu lên, nước lá không chỉ có vị chua thanh dịu mà còn chuyển sang sắc vàng óng ánh như mật ong. Người miền Trung không dùng giấm hay chanh để làm mềm thịt sứa, mà chỉ dùng nước lá dung, vừa đủ để làm mềm nhưng vẫn giữ nguyên cái giòn sật đặc trưng của sứa. Cũng chính nước lá dung đã “khoác” lên những lát sứa một lớp màu vàng đặc trưng, hấp dẫn.

Chế biến sứa lá dung – Công phu trong từng công đoạn

Món sứa lá dung tuy nhìn qua có vẻ đơn giản, nhưng để làm ra được một mẻ sứa ngon, người ta phải bỏ ra rất nhiều công sức. Sứa tươi đem về không thể dùng ngay, mà phải trải qua công đoạn ép.

Đầu tiên, sứa được rửa sạch rồi thái thành từng lát mỏng. Sau đó, sứa được ép với lá lấu xay nhuyễn trong 2 ngày, giúp loại bỏ hoàn toàn mùi tanh. Tiếp theo, sứa tiếp tục được ép với bột lá dung một đêm, đến khi miếng sứa ngả sang màu vàng óng, thơm nhẹ, giòn sật mới đạt chuẩn.

Công đoạn này không có máy móc can thiệp, tất cả đều làm bằng tay, bởi chỉ có ép thủ công mới giúp sứa đạt được độ giòn đúng điệu. Để có được 0,5kg sứa lá dung thành phẩm, người ta phải dùng đến 10kg sứa tươi. Mỗi người thợ một ngày chỉ có thể làm được tối đa 10kg, do vậy, sứa lá dung không phải là món ăn đại trà, mà chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương.

Sứa sau khi được sơ chế cùng lá lấu, lá dung

Sứa sau khi được sơ chế cùng lá lấu, lá dung

Ăn sứa lá dung đúng điệu

Sứa sau khi được sơ chế cùng lá lấu, lá dung

Sứa sau khi được sơ chế cùng lá lấu, lá dung

Người miền Trung không ăn sứa lá dung một cách vội vàng, mà phải ăn đúng điệu, đúng kiểu, để cảm nhận trọn vẹn hương vị của nó.

Trước hết, món sứa lá dung không thể thiếu bát nước chấm mắm ruốc. Nhưng không phải mắm ruốc pha theo kiểu thông thường, mà phải là loại mắm ruốc muối nguyên con, đánh tan cùng gừng, tỏi, ớt giã nhuyễn. Và đặc biệt hơn cả, người Kỳ Anh không dùng đường cát để tạo vị ngọt, mà dùng mật mía, thứ mật có màu nâu cánh gián, sóng sánh, ngọt thanh mà thơm nồng, giúp chén nước chấm dậy lên một hương vị khác biệt hoàn toàn.

Mắm ruốc được pha cùng mật mía, hành, gừng, tỏi

Mắm ruốc được pha cùng mật mía, hành, gừng, tỏi

Rồi phải có bánh đa nướng giòn, thứ bánh mỏng tang nhưng khi nướng lên lại giòn rụm, thơm lừng mùi vừng. Đĩa rau thơm cũng không thể thiếu, phải có đủ rau bạc hà, rau kinh giới, rau húng, rau răm, bởi từng loại rau đều góp phần cân bằng hương vị.

Khi ăn, phải bẻ một miếng bánh đa, gắp vài lát sứa vàng óng, thêm chút rau thơm, rồi chấm đẫm vào bát mắm ruốc mật mía. Khi đưa lên miệng, cái giòn tan của bánh đa, cái sật sật của sứa, vị chua dịu của nước lá dung, vị cay xé của ớt, cái béo bùi của lạc – tất cả quyện vào nhau, cả đều mang hương vị thanh mát, giòn sật, tạo thành một tổng hòa hương vị khó quên.

Không cầu kỳ nhưng sứa lá dung lại là một đặc sản đòi hỏi sự chăm chút từ khâu đánh bắt đến chế biến đến cả cách ăn. Một món ăn gói trọn trong đó cả hương vị của biển và núi rừng, đơn giản nhưng đậm đà, dân dã nhưng không kém phần thanh tao.

Và nếu có dịp về miền Trung, hãy một lần nếm thử sứa lá dung, thứ quà chỉ cần ăn một lần cũng đủ để nhớ mãi không quên…

 

Sứa là một loại thực phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sứa nhiều protein, giàu chất oxy hóa và một số loại khoảng chất như calci, magie, photpho tốt cho cơ thể. Đặc biệt, sứa chứa omega-3 và omega-6, pholyphenol, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong đó, pholyphenol có tác dụng thúc đẩy chức năng não, phòng một số bệnh mạn tính bao gồm tim mạch, đái tháo đường type 2 và ung thư.

Tuy nhiên, cần lưu ý, sứa có thể gây dị ứng đối với một số người, gây ra các triệu chứng như ngứa, phát ban, thậm chí là phản ứng nghiêm trọng. Đặc biệt, sứa cần được chế biến đúng cách để tránh nhiễm khuẩn hoặc độc tố. 

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng