Nhận biết sớm các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ sơ sinh giúp cha mẹ có được biện pháp can thiệp phù hợp
Tăng cường hỗ trợ giáo dục cho trẻ tự kỷ trong các trường học tại TP.HCM
8 lợi ích của các trò chơi vận dụng đa giác quan với trẻ tự kỷ
Cách giúp trẻ tự kỷ có giấc ngủ ngon
Trẻ tự kỷ: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng việc nhận diện sớm các hành vi này có thể giúp phụ huynh và bác sĩ nhi khoa phát hiện nguy cơ tự kỷ ngay trong năm đầu đời của trẻ sớm hơn đáng kể so với các phương pháp chẩn đoán hiện hành, vốn thường chỉ phát hiện được trong khoảng từ 3 đến 5 tuổi.
Theo GS. Stephen Sheinkopf, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Tự kỷ và Phát triển Thần kinh Thompson, Đại học Missouri (Mỹ) chia sẻ: “Chúng tôi phát hiện rằng những trẻ 9 tháng tuổi được phụ huynh mô tả là khó chịu, kém thích nghi, khó ngủ và chậm đạt các mốc phát triển có nhiều khả năng biểu hiện các dấu hiệu sớm của tự kỷ khi đến 12 tháng tuổi.”
Cụ thể nghiên cứu đã khảo sát 332 cặp phụ huynh và trẻ sơ sinh, trong đó cha mẹ được yêu cầu đánh giá tính khí và khả năng điều chỉnh hành vi của con mình khi trẻ ở độ tuổi 9 tháng. Câu hỏi tập trung vào các hành vi như mức độ quấy khóc, dễ cáu kỉnh, khó xoa dịu và khả năng thích nghi với môi trường mới. Đến khi trẻ được 12 tháng tuổi, phụ huynh tiếp tục hoàn thành một bảng câu hỏi sàng lọc tự kỷ, nhằm đánh giá các khía cạnh như kỹ năng giao tiếp, độ nhạy cảm giác quan và sự hiện diện của các hành vi rập khuôn hoặc hạn chế.
Ví dụ, bảng sàng lọc bao gồm các câu hỏi đánh giá việc trẻ có phản ứng khi được gọi tên hay có biểu hiện lo lắng, khó chịu trước những âm thanh lớn như tiếng máy hút bụi hay không.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những quan sát ban đầu của phụ huynh về hành vi của trẻ có thể cung cấp thông tin quan trọng giúp phát hiện sớm nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ cũng như các vấn đề phát triển khác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để xác định liệu những dấu hiệu ban đầu này có dẫn đến chẩn đoán chính thức về tự kỷ trong tương lai hay không.
Dù vậy, các nhà khoa học nhấn mạnh, việc nhận diện những biểu hiện này từ sớm có thể hỗ trợ xác định những trẻ có khả năng hưởng lợi từ can thiệp sớm, đồng thời giúp bác sĩ nhi khoa nâng cao hiệu quả trong đánh giá phát triển trẻ nhỏ.
GS. Sheinkopf cho biết thêm: “Dù mục tiêu là hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, hay giúp hình thành kỹ năng xã hội nhằm tạo nền tảng cho sự thích nghi tại trường mẫu giáo, thì chúng tôi đều mong muốn tất cả trẻ em có cơ hội phát triển tối ưu.”
Nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp tục mở rộng phạm vi phân tích, bao gồm việc áp dụng các công nghệ hiện đại để ghi nhận và đánh giá tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, họ nhận định rằng báo cáo từ cha mẹ vẫn là một công cụ đáng tin cậy và có giá trị trong việc theo dõi sự phát triển sớm.
GS. Sheinkopf cũng đưa ra nhận định rằng phụ huynh thường có khả năng nhận biết và đánh giá tình trạng của con cái rất nhạy bén. Họ là những người hiểu con mình sâu sắc nhất. Hiện tại, nhóm nghiên cứu cũng đang tập trung phát triển các phương pháp và công cụ hiệu quả hơn để ghi lại và định lượng những quan sát mà phụ huynh cung cấp.
Bên cạnh đó, theo TS. Erin Andres, tác giả chính của nghiên cứu, cũng cho biết phản hồi từ phụ huynh là rất tích cực. Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với họ về các cuộc trao đổi với bác sĩ liên quan đến cách trẻ khóc hoặc khó khăn trong việc xoa dịu trẻ đồng thời bày tỏ sự phấn khởi khi thấy những đặc điểm kể trên đang được nghiên cứu một cách nghiêm túc, và họ cũng rất quan tâm đến việc các dấu hiệu này có thể được phát hiện sớm hơn hơn nữa trong tương lai.
Bình luận của bạn