U22 Việt Nam có vẻ như vẫn chưa bung hết sức, hết bài - Ảnh: Sputnik
U22 Việt Nam thắng trận thứ 2 liên tiếp, giải tỏa tâm lý
U22 Việt Nam đủ quân, bắt đầu cuộc chiến bảo vệ HCV SEA Games
Sao trẻ đồng loạt tỏa sáng, HLV Troussier chẳng mong gì hơn
Việt Nam cùng bảng Thái Lan ở môn Bóng đá nam SEA Games 32
Ông thầy Troussier là người có vô vàn kinh nghiệm trên sân cỏ, không chỉ ở một nền bóng đá mà là nhiều nơi, nhiều giải đấu tầm cỡ thế giới. U22 Việt Nam là đương kim vô địch SEA Games, tất nhiên có tham vọng bảo vệ thành tích này. Cả ông thầy và cả đội bóng vì thế phải toan tính cho đường dài, cho trận đấu cuối cùng, nên trận ra quân với U22 Lào cũng như trận đấu với U22 Singapore, những đối thủ được coi là yếu nhất bảng đấu tất nhiên chỉ là màn khởi động, cần phải…giấu bài nếu có thể giấu được?
Nếu nhìn vào đội hình xuất phát ở cả 2 trận đấu nói trên, nói ông Troussier giấu bài cũng có cơ sở, khi để Văn Khang, Công Đến và nhất là Văn Trường ngồi ngoài. Ở trận đấu gặp U22 Singapore, chỉ có 2 thay đổi là Quang Thịnh đá chính ở vị trí trung vệ giữa từ đầu, bổ sung tiền vệ Nhật Nam hợp cùng Thái Sơn ở trung tâm tuyến giữa. Nhưng sau chừng 25 phút, thử nghiệm mới này xem như phá sản và U22 Việt Nam trở lại bộ khung như trận mở màn, bộ đôi Thái Sơn - Đức Phú chơi trung tâm hàng tiền vệ, Văn Cường chơi hậu vệ biên phải. Từ đó, U22 Việt Nam dần chơi có nét với sự chủ động cầm bóng và triển khai tấn công theo “triết lí” của ông thầy mới.
Hai bàn thắng mở tỉ số của Văn Tùng và các bàn thắng sau đó của U22 Việt Nam khiến cho ông thầy có thể vẫn đảm bảo cho mục tiêu vừa thử nghiệm, vừa không bung sức, bộc lộ quá sớm. Trong trận gặp U22 Lào, điều bất ngờ là đối thủ chơi rất hay với việc làm chủ khu trung tuyến, tấn công cả biên lẫn trung lộ đều mượt mà, nhất là những pha phối hợp xẻ nách giữa 2 trung vệ để đưa bóng sát cầu môn Văn Chuẩn. Tình hình bỗng trở nên…mất kiểm soát khi U22 không thể triển khai thế trận theo ý muốn, mỗi khi bị phản công là toàn bộ hệ thống lủng củng, Văn Chuẩn luôn bị đặt vào thế chống đỡ vất vả và nếu người gác đền-đội trưởng này không xuất sắc, mành lưới của U22 Việt Nam đã rung lên không chỉ một lần.
Chắc chắn, trước thực tế đó, yêu cầu “giấu bài” đặt ra từ đầu đã không thành khi ngay từ đầu hiệp 2, ông Troussier phải bố trí lại tuyến giữa, tổ chức lại tuyến phòng thủ đang lung lay sau những đợt bắn phá của đối thủ. Việc phải đưa Công Đến vào đá trụ ở trung tâm hàng tiền vệ, đưa Lương Duy Cương sang phải, đôn Quang Thịnh ở giữa…là những điều chỉnh bắt buộc, nếu không muốn bị gỡ hòa và thậm chí bị thua ngược trước đối thủ càng thi đấu càng gắn kết, càng nguy hiểm. Để rồi, Văn Khang lẫn Xuân Tiến, Quốc Việt phải vào sân để tăng độ sát thương cho các tình huống tấn công, trút bớt gánh nặng cho tuyến phòng ngự, nhất là những phút cuối hiệp 2.
Còn trong trận gặp U22 Singapore, các nhân tố được chờ đợi như Văn Khang, Văn Trường hay Quốc Việt lần lượt được tung vào sân nhưng cái chính là để họ “nóng máy”, vừa để giảm tải cho đồng đội, chứ không phải để giải tỏa tình hình nguy cấp như trận gặp U22 Lào trước đó.
Bàn thắng tất yếu của pha phối hợp kinh điển Văn Khang - Quốc Việt trong trận gặp U22 Lào cho thấy “bài vở” chính của U22 Việt Nam và đây sẽ là cách đánh sở trường với ngòi nổ Văn Khang, với sự nhanh nhẹn, quyết đoán của “vua giải trẻ” Quốc Việt. Một nhân tố ông Troussier không tung vào sân trong trận đầu là Văn Trường đã được vào sân ở hiệp 2 trong trận gặp U22 Singapore. Với thể hình tốt, chơi đa năng, ngòi nổ và là điểm kết thúc, Văn Trường nói cho cùng vẫn được ém kín để tung ra khi cần thiết, nhất là trước U22 Malaysia và U22 Thái Lan
Vấn đề là muốn giấu bài nhưng U22 Việt Nam đã không thể đạt được hoàn toàn ý muốn khi U22 Lào bỗng trở nên…khó nhằn hơn bao giờ hết, buộc đoàn quân áo đỏ phải tung gần hết vốn liếng sẵn có. Dẫu sao, một kết quả thắng với tài khoản mới mở cho các tiền đạo Văn Tùng, Quốc Việt, các kiến tạo của Thanh Nhàn, Văn Khang cho thấy các tiềm năng đang được đánh thức khi cần thiết. Văn Tùng đã có 2 bàn thắng sau 2 trận đấu là tín hiệu tốt cho hàng công của U22 Việt Nam. Tiền vệ Thái Sơn đến trận đấu thứ 2 đã cho thấy lý do vì sao anh được chọn để trấn giữ vị trí quan trọng ở giữa sân…
Nhưng điều đáng nói, đáng lo sau 2 trận đấu của U22 Việt Nam là việc chủ động cầm bóng vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Tuyến giữa của U22 Việt Nam sẽ được “thử nghiệm” đến bao giờ? Công Đến sau chấn thương chưa thực sự lấy lại những gì vốn có và ai sẽ là người chơi cặp với tiền vệ khéo léo này vẫn chưa có câu trả lời xác đáng, vẫn phải chờ thời gian trả lời.
Người viết tin rằng, đội hình mạnh nhất của U22 Việt Nam sẽ phải có những cái tên lâu nay đang được “cất giữ” như Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt, Xuân Tiến.. và chỉ khi có đủ những cái tên này trên sân bên cạnh những nhân tố vừa được chơi trọn 2 trận đấu vừa qua, mọi việc mới trở nên rõ ràng, tin cậy hơn. Tất nhiên, với toan tính của ông thầy mới, U22 Việt Nam có thể vẫn sẽ “liệu cơm gắp mắm” ở những trận đấu được coi là “nhẹ”, để dành những quân bài tốt nhất cho các trận đánh quyết định khi cần thiết.
Trên tổng thể chung là vận hành cách tiếp cận mới để tiệm cận với châu lục, U22 Việt Nam sẽ không giống với mọi suy nghĩ thông thường, đã có trước đây. Sẽ rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và mọi chiến thắng có được sẽ đều gian nan, khó nhọc. Quá trình đó sẽ dần mang lại một bộ mặt mới cho bóng đá Việt để đáp ứng cao nhất yêu cầu đặt ra. Trận thắng U22 Lào với bao nỗi lo và trận thắng U22 Singapore như một bước giải tỏa chính là minh chứng cụ thể về lộ trình tiến tới hoàn thiện lối chơi mới, kết quả mới. Và chúng ta hãy chờ sự linh hoạt, gắn kết hơn ở U22 Việt Nam trong các trận đấu tới khi mọi vấp váp, sai lầm đươc kịp thời chỉnh sửa, khắc phục, khi một bộ khung đích thực được vận hành trơn tru, thông suốt/.
Bình luận của bạn