Hoàng Đức và Văn Lâm có thể rời V.League để xuống hạng Nhất thi đấu
Hoàng Đức sẽ bùng nổ trở lại nhờ Quả Bóng vàng
Văn Lâm và chuyện giữ ngôi vị số 1 V.League 2023
Bóng đá Nam Định lên đỉnh vinh quang sau 39 năm chờ đợi
V.League và chuyện nội, ngoại binh giỏi
Ðá bóng chỉ vì tiền
Một cầu thủ nào đó nói rằng mình chơi bóng tất cả chỉ vì đam mê chứ không coi trọng tiền bạc thì có lẽ đó là tình huống chỉ có trong truyện tranh hoặc trong phim ảnh. Điều đó chẳng có gì lạ bởi đối với tuyệt đại đa số cầu thủ, bóng đá là phương tiện giúp họ thoát nghèo, hoặc đơn giản là một nghề trong vô vàn nghề để kiếm sống. Những người đá bóng vì đam mê, vì để chứng minh tài năng trên sân cỏ vẫn có nhưng thực sự là quá ít. Với bóng đá Việt Nam, điều đó lại càng ít. Với những đứa trẻ, bóng đá được xem là cơ hội, là giấc mơ để có thể đổi đời, trở thành những ngôi sao lớn trong lòng người hâm mộ và được nhận những hợp đồng với số tiền khủng như Công Phượng, Quang Hải, Công Vinh, Văn Quyết… Và đó cũng là điều hoàn toàn bình thường và không ai có thể chỉ trích.
Nhưng để kiếm tiền từ thi đấu bóng đá thì mỗi cầu thủ phải phát triển theo hướng tịnh tiến đi lên. Tức là họ sẽ phải trải qua giai đoạn đào tạo trẻ từ 9-10 tuổi, trải qua quá trình thi đấu và phấn đấu không ngừng cùng các lứa U để tìm kiếm cơ hội được đôn lên thi đấu cho đội một ở các CLB mà họ đầu quân. Đích đến là được cùng đội một thi đấu ở hạng đấu cao nhất (ở Việt Nam là V.League), hy vọng có thể tỏa sáng ở sân chơi này để được tuyển chọn lên các cấp độ ĐTQG. Khi đã trở thành một tuyển thủ, họ sẽ có nhiều cơ hội để kiếm tiền như thông qua chuyển nhượng, lương thưởng cũng sẽ được nâng cao, tiền quảng cáo, tài trợ…
Tuy nhiên có vẻ như cầu thủ bóng đá Việt Nam lại đang chọn cho mình hướng đi ngược hẳn với xu thế ấy. Không nói đến chuyện bán độ, các cầu thủ Việt Nam có vẻ như không quan trọng lắm chuyện phải đá ở hạng đấu cao nhất, cùng những đội bóng mạnh nhất để tạo danh tiếng và tìm kiếm cơ hội khoác áo ĐTQG. Với họ, rời V.League để xuống hạng Nhất thi đấu là sự lựa chọn không hề tồi và trong những ngày qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang được chứng kiến hiện tượng sao số ở V.League lũ lượt xuống hạng Nhất thi đấu.
Tuyển thủ quốc gia cũng khoái hạng Nhất
Thông thường thì để tuyển chọn cầu thủ cho ĐTQG, các HLV trên thế giới sẽ chỉ chọn những ngôi sao đang thi đấu ở giải đấu cao cấp nhất có thể. Ví dụ như Anh sẽ lấy sao từ Premier League, Tây Ban Nha lấy ở La Liga, Đức ở Bundesliga hay Italia lấy ở Serie A, Việt Nam lấy ở V.League… chứ chẳng bao giờ ghé xuống hạng Nhất để tìm quân. Chỉ có những quốc gia có nền bóng đá kém phát triển hơn mới tìm cầu thủ đang chơi bóng tại các giải cấp thấp ở các quốc gia có trình độ cao hơn.
Từ xưa đến nay, ĐT Việt Nam cũng không ngoại lệ. Những ngôi sao được gọi lên ĐTQG hầu hết đá ở V.League. Chỉ có một số trường hợp tài năng đặc biệt xuất sắc đang thi đấu ở cấp độ trẻ được “thăng cấp” lên thẳng ví như trường hợp của Văn Hậu, Văn Khang, Quang Hải, Công Phượng, Quốc Việt. Còn các ngôi sao xuất sắc ở các giải hạng Nhất, hạng Nhì chỉ có cơ hội khoác áo các lứa U quốc gia. Thế nên việc các cầu thủ có trình độ thật sự lựa chọn xuống chơi ở giải hạng Nhất khi vẫn có cơ hội lên ĐTQG là điều xưa nay chưa từng thấy.
Dẫu vậy, điều bất thường này lại đang xảy ra và đội bóng tạo nên sự bất thường ấy là Thanh Niên TP.HCM. Trước khi có tên là Thanh Niên TP.HCM, đội bóng được xem là đại gia mới nổi này là đội bóng đá Trẻ TP.HCM. Sau khi chơi thuyết phục ở giải hạng Nhì mùa giải vừa qua và giành quyền lên chơi tại giải Nhất mùa tới, BLĐ đội bóng này đã quyết định đổi tên và rót vốn mạnh mẽ với quyết tâm lên được V.League. Với sự tài trợ của ngân hàng LPBank, hàng loạt ngôi sao đang thi đấu tại V.League đã được BLĐ đội mang về.
Chọn tiền hay bước lùi trong sự nghiệp?
Bên cạnh việc bổ nhiệm HLV trẻ và từng là phó tướng của HLV Philippe Troussier ở ĐT Việt Nam là Nguyễn Việt Thắng, người ta còn thấy sự xuất hiện của những cái tên rất đáng chú ý trong danh sách 15 cầu thủ vừa cập bến. Có thể kể ra như La Nguyễn Bảo Trung (CAHN), Nguyễn Văn Việt (SLNA), Trần Hoàng Sơn (Thể Công-Viettel), Đinh Thanh Bình, Nguyễn Đức Việt, Lê Minh Bình (HAGL), Phạm Văn Thành (Quy Nhơn Bình Định), Phạm Gia Hưng (CAHN) hay Trịnh Đức Lợi, Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Hữu Tuấn và sắp tới là Lê Ngọc Bảo.
Chưa dừng ở đó, ban lãnh đạo CLB Thanh Niên TP.HCM còn nuôi tham vọng tạo bom tấn khi chiêu mộ hai ngôi sao đẳng cấp bậc nhất của bóng đá Việt Nam là thủ môn ĐTQG Đặng Văn Lâm (Quy Nhơn Bình Định) và Quả bóng Vàng Nguyễn Hoàng Đức (Thể Công-Viettel). Trong khi khả năng Văn Lâm đầu quân cho họ là khá sáng còn Hoàng Đức thì có khó khăn hơn đôi chút. Nếu hai phi vụ này thành hiện thực, đó sẽ là cú sốc lớn nhất trong lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Nên biết rằng trong danh sách kể trên, có không ít cái tên đã và đang là tuyển thủ Quốc gia hoặc nằm trong danh sách cần chú ý của các đời HLV ĐTQG ở mỗi lần tuyển quân như Hữu Tuấn, Văn Thuận, Văn Thành, Ngọc Bảo, Thanh Bình, Thanh Thịnh. Đặc biệt là Văn Lâm còn là thủ môn số 1 của ĐT Việt Nam nhiều năm qua còn Hoàng Đức đang là tiền vệ hay nhất Việt Nam, được nhiều đội bóng nước ngoài lôi kéo. Thế nên việc những cầu thủ này chấp nhận chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Nhất có thể xem là một bước lùi trong sự nghiệp. Tiền nhiều cũng tốt thật nhưng cơ hội để làm chuyện lớn, để nâng cao trình độ và để được khoác áo ĐTQG tham dự các giải đấu quốc tế cũng là rất quan trọng.
Đầu quân cho Thanh Niên TP.HCM có thể giúp những cầu thủ kể trên có cơ hội ra sân thường xuyên hơn, được trả lương thưởng cũng như các chế độ đãi ngộ khác hậu hĩnh hơn nhưng sẽ thật khó để giúp họ duy trình và nâng cao trình độ, bản lĩnh vì dẫu sao, giải hạng Nhất còn lâu mới so được với V.League về đẳng cấp. Điều bất thường đã và đang xảy ra và chờ xem bom tấn mang tên Văn Lâm, Hoàng Đức liệu có nổ.
Bình luận của bạn