Vì sao cầu thủ Việt kiều chưa tạo nên “làn gió mạnh”?

V.League cần nhiều hơn nữa những ngôi sao Việt kiều như Văn Lâm, Lee Nguyễn hay Adriano Schmidt

Dừng giải VĐQG phục vụ U20, SEA Games thì đừng mơ World Cup!

V.League 2023 chia tay HLV đầu tiên

V.League 2023: Ngôi đầu đã đổi

V.League 2023: Những ai đang cảm nhận “ghế nóng”?

Chấp trọng tài, Hà Nội FC vẫn hạ Hà Tĩnh để lên ngôi đầu V.League 2023

Cụ thể, Điều lệ Giải vô địch bóng đá quốc gia V.League 2023 có một nét mới đáng chú ý là các đội bóng được đăng ký thi đấu 01 cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam (tức cầu thủ Việt kiều, chưa có quốc tịch), bên cạnh 01 cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài (tức cầu thủ nhập tịch) và 03 cầu thủ nước ngoài (ngoại binh). Từ đó, dễ hiểu vì sao mùa giải này “làn sóng” cầu thủ Việt kiều về thi đấu ở V.League trở nên sôi động hơn, tạo nên sức hút và sự hứng thú với giới truyền thông và người hâm mộ.

Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”, trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có thể thao, nguồn lực Việt kiều đóng vai trò quan trọng trong phát triển, đi lên của mỗi ngành, mỗi lực lượng. Bóng đá dù đi sớm về việc thu hút nguồn lực cầu thủ Việt kiều, nhưng thực ra không nhanh và mạnh như môn bóng rổ hay quần vợt.

Còn nhớ ở SEA Games 31, các đội tuyển bóng rổ, quần vợt đạt được thành công chủ yếu nhờ giải đấu vô địch quốc gia có nhiều cầu thủ Việt kiều và cầu thủ nhập tịch tham gia, chính họ làm nên xương sống của các đội tuyển quốc gia thi đấu ở khu vực và châu lục. Cho đến mùa giải 2023, bóng đá mới mở rộng cửa cho các cầu thủ Việt kiều tham gia (trước đó tính là cầu thủ nước ngoài) là đúng đắn, kịp thời, nhất là trong bối cảnh phấn đấu giành vé dự World Cup trong thời gian sớm nhất, 2026 hoặc 2030.

V.League và bóng đá Việt Nam cần nhiều những cầu thủ Việt kiều chất lượng như Lee Nguyễn - Ảnh: Vnexpress

V.League và bóng đá Việt Nam cần nhiều những cầu thủ Việt kiều chất lượng như Lee Nguyễn - Ảnh: Vnexpress

Theo Wikipedia, danh sách cầu thủ bóng đá Việt kiều được phát hiện hiện tại là 75 người, trong đó cái tên đầu tiên và cũng có danh tiếng nhất là Lee Nguyễn (Nguyễn Thế Anh) thi đấu cho HAGL từ mùa giải 2009-2010, mới nhất thi đấu cho TP.HCM mùa giải 2022. Tuy vậy, cái tên mới nhất vừa được ông Popov, huấn luyện viên trưởng Đông Á Thanh Hóa và báo chí nhắc đến là tài năng 17 tuổi Đỗ Nguyễn Chung (Do Nguyen Chung), hiện thi đấu cho Slavia Sofia (Bungari), đang được cả Barcelona nhắm tới thì chưa được cập nhật, chứng tỏ con số về nguồn lực cầu thủ Việt kiều thực sự là “nguồn mở” dồi dào và chưa thể tính hết.

Những năm qua, Hải Phòng, Bình Định và Phố Hiến là những đội bóng tỏ ra “mát tay” với nguồn cầu thủ Việt kiều, nhất là việc những Văn Lâm, Adriano Schmidt (Bùi Đức Duy) thi đấu tốt ở câu lạc bộ, được gọi lên tuyển Việt Nam và trụ vững, hay trường hợp Mạc Hồng Quân, Martin Lò được gọi lên U23 Việt Nam…Mùa giải 2023 này, Bình Định là nơi tập hợp nhiều cầu thủ Việt kiều và một số trường hợp đã tỏa sáng, đóng góp lớn cho thành tích của đội bóng. Văn Lâm, Mạc Hồng Quân cùng Schmidt, Viktor Lê ở Bình Định góp công lớn trong ngôi đầu của đội bóng đất võ sau 4 vòng đấu vừa qua chứng minh điều đó.

Người ta nói đến tình huống phối hợp thành bàn đẹp mắt của Bình Định trong trận thắng Khánh Hòa có sự tham gia của Viktor Lê và việc được tung vào sân 2/4 trận đấu đầu tiên là những kết quả ban đầu không đến nỗi nào của cầu thủ Việt kiều này. Một trường hợp khác đang gây ấn tượng tốt là Ryan Hà ở Khánh Hòa khi anh ghi được bàn thắng cho đội nhà trong trận thắng TP.HCM trên sân khách, chưa kể một kiến tạo trong trận đấu gặp Đông Á Thanh Hóa trước đó. Ngoài ra, màn ra mắt của Patrik Lê Giang ở Công an Hà Nội cũng rất được chú ý sau khi Bùi Tiến Dũng trở lại với quyết tâm cao nhưng không được như ý…

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ ở mức bắt đầu và chưa kết luận được gì. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, đúng mực nhất trong số các cầu thủ Việt kiều thi đấu trong thời gian qua, chỉ có Văn Lâm thể hiện tốt nhất năng lực chuyên môn và tính chuyên nghiệp cần có của mình, còn lại chỉ là “thường thường bậc trung” hoặc trung bình yếu. Khi Văn Lâm sang Thái Lan hay Nhật Bản và không có cơ hội thi thố, anh vẫn giữ được trạng thái tập trung, ổn định, không đánh mất phong độ khi về lại Bình Định hay ĐT Việt Nam. Trong khi đó, Adriano Schmidt từng được ông Park Hang-seo gọi lên tuyển, từng trụ được ở danh sách cuối cùng nhưng vẫn chỉ làm dự bị và luôn vắng mặt ở các chiến dịch lớn của ĐTQG.

Viktor Lê (7) cần nhiều thời gian hơn nữa để chứng tỏ mình - Ảnh: T.Bình Định

Viktor Lê (7) cần nhiều thời gian hơn nữa để chứng tỏ mình - Ảnh: T.Bình Định

Những Viktor Lê hay Ryan Hà bước đầu có làm được một điều gì đó, nhưng xem ra càng vào sâu V.League càng thấy rất khó khăn. Chúng ta thấy rõ Viktor Lê gặp khó như thế nào khi đối đầu Văn Hậu hay Ryan Hà cũng tương tự khi gặp các cầu thủ Sông Lam Nghệ An mới đây… Quả vậy, V-League 2023 hy vọng cầu thủ Việt kiều sẽ tạo ra một “làn gió mạnh” nhưng xem ra mới chỉ có một “làn gió thoảng” mà thôi.

Có vẻ như những cầu thủ tốt nhất như Philipp Nguyễn hay mới đây Đỗ Nguyễn Chung vẫn hướng đến một đội bóng lớn nào đó ở châu Âu để phát triển sự nghiệp và bóng đá Việt chưa đủ sức thu hút các tài năng này? Câu chuyện mới nhất về ông Troussier và cầu thủ Việt kiều Pháp Jason Quang Vinh Pendant “thả thính” cho nhau có thể mở ra một trong vô vàn cơ hội mà bóng đá Việt cần hướng đến để thu hút nguồn lực đáng kể ở ngoài nước. Nhưng nói chung, về cơ bản, V.League phải vươn lên chất lượng nhất khu vực rồi vươn tầm châu lục, thì lúc đó mới hy vọng “hữu xạ tự nhiên hương”, “phú quý sơn lâm hữu khách tầm”.

 
Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe