SLNA và câu chuyện gian nan trụ hạng

Phải đợi đến trận đấu cuối cùng của mình tại V.League 2023/24, SLNA mới được hưởng niềm vui trụ hạng thành công - Ảnh: VPF

Dàn sao trẻ SLNA đang ngày một trưởng thành

SLNA: Sức trẻ và…chín ép?

HAGL, SLNA lo dần về khả năng rớt hạng

Bán tống cả “lúa non”?

Phương cách tiết giảm tối đa chi phí của nhà tài trợ Tân Long tại SLNA là sử dụng lực lượng trẻ cộng với ngoại binh trung bình để chinh chiến ở V.League cuối cùng đã cho kết quả…trụ hạng mùa giải 2024. Họ không phải là đội duy nhất ở V.League thực hiện kế hoạch này vì trước đó, HAGL và SHB Đà Nẵng cũng đã áp dụng và triển khai nhưng kết quả thu về không mấy khả quan. HAGL với lứa U19 của Công Phượng, Xuân Trường…đầy tiềm năng đã phải “dành cả thanh xuân để trụ hạng”. SHB Đà Nẵng với lứa Phi Hoàng, Đình Duy… thậm chí thất bại chóng vánh và phải xuống hạng mùa giải 2023. Nay SLNA cũng không tránh khỏi kết cục nhọc nhằn đó khi làm bóng đá mà thiếu nguồn lực và nhân lực giỏi, dẫn tới thiếu tham vọng và chấp nhận một thứ hạng kém cỏi ở V.League không chỉ một vài mùa giải.

“Niềm tự hào xứ Nghệ” của SLNA trên thực tế đang là nỗi lo sau từng trận đấu, vòng đấu. Trong khi các đội bóng khác đang đổi thay từng ngày thì đội bóng thành Vinh vẫn vật lộn với bài toán lực lượng, với mục tiêu và tham vọng, với sự chờ đợi mỏi mòn của người hâm mộ gần xa. Rõ ràng, kể cả trụ hạng thành công nhưng mùa bóng mới vẫn tiềm lực non yếu đó, với con người đó thì mọi việc vẫn loay hoay trong vòng xoáy “quyết tâm trụ hạng” mà thôi. Và trước mùa bóng mới nhiều thách thức, rõ ràng có nhiều điều SLNA phải chấp nhận làm lại, làm mới một cách căn cơ, bài bản, hiệu quả, bắt đầu từ một nhà đầu tư/tài trợ mạnh, có tham vọng và gắn bó lâu dài.

Trước hết, nguồn đào tạo trẻ dồi dào là một lợi thế cho đội chủ sân Vinh nhưng đừng bao giờ quên truyền thống giữ chân những trụ cột hàng đầu để dẫn dắt đội bóng, như cách làm lâu nay. Nhiều trụ cột SLNA sẵn sàng chấp nhận việc ở lại khi được hưởng mức tương đương hoặc thấp so với việc chuyển đến đội bóng mới, là một điều nên được trân trọng và đáp ứng. Đó không chỉ là cách làm riêng có của SLNA mà bất cứ đội bóng có bản sắc và thành công nào trong việc “ứng xử” với các trụ cột. Tiếp đó, phải có nguồn lực, sự tinh nhạy để “tậu” được những ngoại binh giỏi, không chỉ 3 vị trí có chất lượng theo quy định mà có cả dự bị cho ngoại binh, đừng để một hay hai ngoại binh phải “gánh” đội bóng như Olaha lâu nay. Hãy nhìn các đội bóng khác khi họ mua sắm đủ cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch, cầu thủ Việt kiều…mà buồn lòng cho lực lượng của đội bóng thành Vinh. Đội bóng thành Vinh vốn đi đầu trong việc mua ngoại binh nhưng nay thì mọi việc trở nên kém cỏi, vụng về bậc nhất thiên hạ, là điều không thể chấp nhận nổi trong xu thế chung.

Các cầu thủ trẻ SLNA thi đấu đầy cố gắng nhưng kết quả không tốt rất có thể sẽ làm thui chột ý chí phấn đấu của họ. Ai đó nói họ “chín ép” là có nguyên nhân và có cả hậu quả, nếu nhìn vào thực tế thi đấu của một loạt nhân tố trẻ tiềm năng như Xuân Tiến, Văn Bách… hiện tại. Chấn thương, thẻ phạt, thi đấu quá sức… sẽ là những đòn chí mạng đánh vào tâm lý, quá trình thi đấu, hồi phục của các cầu thủ trẻ. Người ta chờ đợi quá trình rèn dũa, trưởng thành của dàn trẻ 18, 19 hay 22, 23 tuổi đang đá chính hiện nay. Yêu cầu được tung vào sân thường xuyên là cần thiết, nhưng chơi quá sức, chơi trận hay, trận dở…sẽ lại là “con dao 2 lưỡi” khiến cho quá trình đó gặp nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Việc cả loạt nhân tố trẻ Sông Lam đầy tiềm năng nhưng lâu nay không được chọn lên U23 Việt Nam hay Đội tuyển Việt Nam minh chứng cụ thể điều này.

Lực lượng là cái khó khăn lớn nhất với SLNA ở mùa giải vừa qua - Ảnh: VPF

Lực lượng là cái khó khăn lớn nhất với SLNA ở mùa giải vừa qua - Ảnh: VPF

Điều quan trọng nữa là truyền thống sử dụng “thầy nội bộ” của Sông Lam Nghệ An cũng không đem lại kết quả tích cực như mong đợi. Lần lượt Huy Hoàng, Như Thuật “bật bãi” và hiện tại với kết quả đầy khó khăn cuối mùa, ai dám chắc Phạm Anh Tuấn “trụ” nổi với vị trí huấn luyện viên trưởng hết mùa tới? Lịch sử cho thấy đội bóng thành Vinh không “hạp” với người ngoài nhưng trong tình trạng người nội bộ không theo kịp bước đi của các đồng nghiệp nơi khác, điểm yếu này vẫn còn đeo đẳng lâu dài? Tất nhiên, không thiếu người giỏi từ đội bóng ra đi và thành danh, nhưng (lại nhưng) việc gọi về những người cũ đã chuyển đi chẳng hạn, lại là việc…khó không tưởng! Trong khi sự phấn đấu, học hỏi, đi lên của đội ngũ huấn luyện viên Sông Lam hiện tại là điều rất đáng đưa lên để “cân đong đo đếm” khi so với các đội khác.

Nhìn rộng ra, tất nhiên không hiếm các đội bóng có truyền thống hàng đầu từng rơi vào hoàn cảnh thi đấu trầy trật như SLNA (chẳng hạn từ sau mùa giải 2011 tới nay), có đội đã biết cách trở lại như Thể Công Viettel mấy mùa trước hay Nam Định mùa này, cũng có đội đang ở mãi hạng Nhì như Đồng Tháp. Không phải để tự an ủi nhưng rõ ràng, bóng đá cũng như cuộc sống, luôn biến động không ngừng, thành công và thất bại là điều biết được, hiểu được. Vấn đề là ai, đội bóng nào sớm trở lại đường ray và băng băng tìm đích mới, ai chậm chạp và thụt lùi mà thôi.

Và không chỉ SLNA, hầu hết các đội bóng miền trung nghèo đều gặp khó với môn thể thao vua tốn tiền của. Không đầu tư đồng nghĩa với không có thành tích, đồng nghĩa với vật lộn để trụ hạng. Ngay cả có đầu tư cũng chưa chắc đã có ngay kết quả, trên thế giới cũng như trong nước, bởi bóng đá có “cái duyên” riêng, khó nắm bắt, nói tài nói giỏi. Với SLNA, nhà đầu tư/tài trợ nếu vẫn ngọt nhạt như lâu nay thì thật khó để tìm lại hào quang cũ. Không dồi dào nguồn lực, lại thiếu tâm huyết và cách làm phù hợp thì tốt nhất nên tìm kiếm nhà tài trợ mới để trụ vững ở V.League, còn nếu không thì nên bằng lòng với sân chơi hạng Nhất và hạng Nhì mà không còn cách nào khác.

Điều gì cũng có thể xảy ra với SLNA ở phía trước, dù đội bóng đã được cấp phép cho mùa giải 2024/25 và trụ hạng ngoạn mục, thót tim. “Khôn đâu đến trẻ” trong cuộc sống là điều ai cũng biết, cũng trải. Thì trong bóng đá chuyên nghiệp, người ta cũng sẽ đủ cơ sở để nói rằng “thắng đâu đến trẻ” qua trải nghiệm đau khổ của HAGL, SHB Đà Nẵng và nay là SLNA mùa này. Ý chí chiến đấu của SLNA lâu nay được coi là “vũ khí tối thượng”. Nhưng nay chỉ vũ khí đó là chưa đủ, không đủ khi nguồn lực, tiềm lực yếu kém, lương thưởng đì đẹt. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của V.League, nếu chỉ đề cao truyền thống và ý chí suông là tự huyễn hoặc, là “xưa như diễm” và kết cục là về đích cuối cùng hoặc bật bãi.

 

 

Nếu mùa bóng mới đội bóng vận hành theo con người cũ, cách làm cũ thì vẫn chỉ lặp lại khó khăn, trầy trật cũ mà thôi. Điệp khúc vượt khó, vì vậy sẽ còn dài lâu với đội bóng thành Vinh, nếu không tìm ra một “ông bầu” thực mạnh, thực tài, có tham vọng và có chiến lược đầu tư lâu dài, bài bản để đánh thức tiềm năng, thế mạnh của một-miền-bóng-đá?

 

KẾT QUẢ CUỐI CÙNG V.LEAGUE 2023/24

Vô địch: Thép Xanh Nam Định

Á quân: Merryland Quy Nhơn Bình Định

Hạng ba: Hà Nội FC

Xuống hạng: Khánh Hòa

Đá play-off trụ hạng: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

Vua phá lưới: Rafaelson (Thép Xanh Nam Định - 31 bàn)

 

Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe