10 loại thuốc dễ tương tác với cà phê cần lưu ý

Không nên uống cà phê gần thời điểm với khi uống một số loại thuốc

Uống cà phê đúng cách vào buổi sáng để không có tác dụng phụ

Sau đặt stent, làm sao tránh tác dụng phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu?

Thuốc điều trị ù tai và những tác dụng phụ cần lưu ý

"Điểm mặt" 5 tác dụng phụ khi lạm dụng whey protein

Thuốc tuyến giáp

Ở người suy giáp, tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu trao đổi, hoạt động của cơ thể, có thể gây tăng cân, khô da, đau khớp, rụng tóc và kinh nguyệt không đều. Người bệnh thường được kê toa levothyroxine hoặc các loại thuốc tuyến giáp khác để giúp cân bằng nội tiết tố.

Việc uống cà phê cùng lúc với thuốc tuyến giáp có thể làm giảm lượng thuốc được cơ thể hấp thu, khiến thuốc kém hiệu quả hơn. Thậm chí, có những trường hợp cà phê có thể làm giảm hơn 1/2 sự hấp thu thuốc tuyến giáp.

Thuốc trị cảm lạnh hoặc dị ứng

Thuốc trị cảm lạnh hoặc dị ứng thường chứa các chất kích thích hệ thần kinh trung ương như pseudoephedrin. Cà phê cũng là một chất kích thích. Uống cà phê gần thời gian với loại thuốc này có thể làm tăng các triệu chứng như bồn chồn và khó ngủ. Đặc biệt, một số loại thuốc dị ứng như fexofenadine không nên uống gần thời gian với cà phê vì nó có nguy cơ kích thích hệ thần kinh trung ương quá mức, làm cảm giác bồn chồn nặng thêm.

Thuốc đái tháo đường

Uống cà phê pha với đường hoặc sữa có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến và ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị đái tháo đường. Caffeine trong cà phê làm tăng thêm các triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, dung nạp quá nhiều caffeine có thể khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ biến chứng của đái tháo đường.

Thuốc điều trị Alzheimer

Thuốc điều trị bệnh Alzheimer như donepezil, rivastigmine và galantamine bị ảnh hưởng bởi caffeine. Caffeine trong cà phê thắt chặt hàng rào máu não (đây là một lớp tế bào bao phủ các mạch máu trong não và điều chỉnh sự xâm nhập của các phân tử từ máu vào não) và có thể làm giảm lượng thuốc đi vào não của người bệnh. Thuốc điều trị bệnh Alzheimer hoạt động bằng cách bảo vệ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Uống cà phê trong khi dùng thuốc điều trị Alzheimer sẽ làm giảm tác dụng bảo vệ này.

Thuốc hen suyễn

Nhiều người mắc bệnh hen suyễn dùng thuốc giãn phế quản trong thời gian bệnh bùng phát, như aminophylline hoặc theophylline. Thuốc này hoạt động bằng cách làm giãn đường thở, giúp thở dễ dàng hơn, nhưng chúng có tác dụng phụ như đau đầu, bồn chồn, đau dạ dày và khó chịu. Uống cà phê hoặc các đồ uống khác nhiều caffeine có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ này và làm giảm lượng thuốc được cơ thể hấp thu.

Thuốc trị loãng xương

Không nên kết hợp uống thuốc trị loãng xương với cà phê

Không nên kết hợp uống thuốc trị loãng xương với cà phê

Các loại thuốc dùng để ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương (như risedronate hoặc ibandronate) không nên uống cùng lúc với cà phê, vì làm cho thuốc kém hiệu quả hơn. Bạn nên uống thuốc này trước khi ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, và chỉ uống thuốc với nước thường. Điều này cho phép cơ thể hấp thu tối đa toàn bộ lượng thuốc. Nhưng khi uống cà phê với loại thuốc này, hiệu quả của thuốc có thể giảm đi 1/2.

Thuốc chống trầm cảm

Cà phê có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn sử dụng thuốc chống trầm cảm. Một số loại thuốc như fluvoxamine, amitriptyline, escitalopram và imipramine có thể được chuyển hóa khác đi nếu bạn uống cùng lúc với cà phê, đặc biệt là một lượng lớn cà phê. Cà phê có thể làm giảm lượng thuốc được cơ thể hấp thu. Đã có nghiên cứu cho thấy uống fluvoxamine cùng với cà phê gây ra các triệu chứng như mất ngủ và tim đập nhanh.

Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần hữu dụng cho những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, hưng cảm, rối loạn trầm cảm nặng và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Hoạt động bằng cách ức chế một số chất dẫn truyền thần kinh hoặc ngăn chặn các thụ thể trong não.

Các loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần (như phenothiazine, clozapine, haloperidol và olanzapine) được cơ thể chuyển hóa hoặc phân hủy khác nhau khi có cà phê. Cà phê có thể khiến cơ thể hấp thu loại thuốc này ít hơn bình thường. Do đó, để thuốc phát huy hết tác dụng, hãy uống thuốc với nước thay vì cà phê.

Thuốc huyết áp

Thuốc huyết áp (như verapamil, propranolol, felodipine) hoạt động bằng cách làm chậm nhịp tim của người bệnh. Tim sẽ không phải làm việc cật lực để bơm máu đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, uống cà phê cùng lúc với thuốc điều trị huyết áp như felodipine sẽ làm giảm khả năng hấp thu thuốc vào cơ thể, dẫn đến không nhận được tác dụng tối đa của thuốc.

Melatonin

Melatonin mà một loại hormone được cơ thể tạo ra giúp bạn buồn ngủ về đêm. Melatonin cũng được bán không kê đơn (OTC) dưới dạng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ giấc ngủ. Ngược lại, cà phê hoạt động như một chất kích thích khiến bạn tỉnh táo hơn và khó ngủ. Uống cà phê có thể ức chế sản xuất melatonin trong cơ thể và làm cho hormone này hoạt động kém hiệu quả hơn. Nếu bạn uống melatonin cùng lúc với uống cà phê, chúng có thể triệt tiêu lẫn nhau.

Vì vậy, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào nêu trên, bạn nên tránh uống cà phê cùng lúc hoặc gần thời điểm uống thuốc. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian có thể uống cà phê sau khi uống thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

 
Nguyễn Thanh (Theo Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp