- Chuyên đề:
- Rối loạn mỡ máu
Người bệnh mỡ máu cao nên hạn chế ăn những thực phẩm làm tăng cholesterol
5 chất béo lành mạnh giúp giảm cholesterol
Danh sách 7 thực phẩm giúp cải thiện mức cholesterol cao
Tập thể dục thế nào để kiểm soát mỡ máu?
Mẹo kiểm soát cholesterol LDL trong mùa Đông
Mỡ máu cao hay rối loạn mỡ máu xảy ra khi các thành phần cholesterol và chất béo có hại trong máu gia tăng. Người bệnh sẽ được chẩn đoán mỡ máu cao khi các chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng an toàn, ví dụ như cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L.
Để kiểm soát cholesterol, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu, cùng các biện pháp thay đổi lối sống lành mạnh. Một trong những lưu ý đầu tiên là chế độ ăn uống. Theo các chuyên gia, một số thực phẩm có thể ảnh hưởng tới chỉ số cholesterol, khiến người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm khi mỡ máu tăng cao.
Dưới đây là một số thực phẩm gây bất lợi cho quá trình ổn định mỡ máu:
Chế phẩm từ sữa nguyên kem
Các sản phẩm làm từ sữa nguyên kem thường chứa lượng chất béo bão hòa cao. Đây là yếu tố có thể làm tăng chỉ số LDL-cholesterol, hay còn gọi là “cholesterol xấu”. Chế độ ăn chứa quá nhiều chất béo bão hòa ảnh hưởng tới khả năng làm việc của gan, khiến LDL-cholesterol tích tụ trong máu.
Sữa và các chế phẩm từ sữa cũng có nhiều lợi ích với sức khỏe, là nguồn cung cấp calci, vitamin D và nhiều dưỡng chất. Vì vậy, trong quá trình kiểm soát mỡ máu, bạn nên chọn các sản phẩm ít béo (low fat) như sữa chua, nấm sữa kefir. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như hạt chia, hạt hạnh nhân khi ăn cùng sữa chua.
Thịt đỏ
Thịt lợn, thịt bò, thịt dê… không phải thực phẩm có lợi cho người bệnh mỡ máu cao. Nguyên nhân là những loại thịt đỏ kể trên chứa nhiều chất béo bão hòa.
Điều này không có nghĩa là bạn phải kiêng thịt đỏ hoàn toàn. Thay vào đó, người bệnh mỡ máu cần hỏi ý kiến bác sĩ, sử dụng lượng thịt đỏ vừa phải (không quá 3 bữa, không quá 350-500gr thịt sau chế biến/tuần). Nguồn protein lành mạnh cho chỉ số cholesterol là protein từ đậu, ngũ cốc.
Thịt có da
Lượng lớn chất béo bão hòa có trong da gà, bì lợn và các phần thịt có da khác. Dù đây là món khoái khẩu của nhiều người, bạn nên cố gắng tránh ăn phần thịt này trong quá trình ổn định mỡ máu. Thịt gia cầm không da, cá, đậu hạt, đậu phụ chứa ít chất béo bão hòa hơn, có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
Thực phẩm “siêu chế biến”
Đa số thực phẩm chúng ta sử dụng trong cuộc sống hiện đại ít nhiều đã trải qua các giai đoạn chế biến, xử lý. Nhóm thực phẩm mà người bệnh mỡ máu cao nên hạn chế là thực phẩm “siêu chế biến” như xúc xích, bim bim khoai tây chiên… Chúng thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh, cùng lượng muối, đường cao. Trong khi đó, hàm lượng dinh dưỡng, chất xơ và vitamin lại thấp, có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tim mạch.
Đồ chiên rán
Thực phẩm chiên rán ngập dầu không chỉ chứa nhiều chất béo bão hòa, mà còn chứa chất béo chuyển hóa (trans fat). Đây là thành phần có thể làm tăng chỉ số cholesterol xấu, kéo theo nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung. Theo Mayo Clinic, nhóm đồ chiên rán này gồm cả bánh rán ngọt, khoai tây chiên lẫn gà rán.
Để chọn thực phẩm không chứa trans fat, bạn nên đọc bao bì sản phẩm, không dùng thực phẩm có chứa nguyên liệu dầu hydro hóa một phần (partially hydrogenated oil).
Bình luận của bạn