8 dấu hiệu cảnh báo bạn đang ăn quá nhiều muối

Ăn quá nhiều muối có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe

Giảm muối để kiểm soát huyết áp

Ăn nhiều hạt rang muối không tốt cho sức khỏe

Đồ ăn nhẹ dành cho trẻ em Đông Nam Á chứa nhiều đường và muối

Vì sao người bị đái tháo đường cần kiểm soát việc ăn muối?

Giảm muối ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ khoảng 5gr muối mỗi ngày. Ăn quá nhiều muối có thể gây ra những tác động có hại cho sức khỏe. Một số dấu hiệu dưới đây cho thấy bạn đang tiêu thụ lượng muối vượt ngưỡng.

1. Tăng huyết áp 

Khi ăn quá nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch, làm tăng thể tích máu lưu thông, tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp. Đây là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ.

2. Sưng tấy

Natri trong muối liên kết với nước trong cơ thể giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng cả bên trong và bên ngoài tế bào. Khi ăn quá nhiều muối, cơ thể sẽ giữ nước, dẫn đến hiện tượng sưng hoặc phù nề, đặc biệt là ở tay, chân, mắt cá chân và bụng. 

3. Khát nước liên tục

Ăn quá nhiều muối có thể khiến bạn cảm thấy nhanh khát nước hơn bình thường. Điều này là do muối hút nước ra khỏi tế bào để làm loãng lượng natri dư thừa, gây ra cảm giác khát khô nên bạn sẽ liên tục phải bổ sung nước. 

4. Gặp vấn đề về thận

Ăn quá nhiều muối làm tăng lượng nước trong cơ thể, khiến thận phải làm việc nhiều hơn và có thể làm căng chướng thận - cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc lọc và bài tiết lượng natri dư thừa ra khỏi máu. Theo thời gian, điều này có thể làm tăng áp lực lên các mao mạch thận, gây tổn thương và suy giảm chức năng thận, tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Ngoài ra, natri trong muối còn làm tăng sự hấp thu calci trong thận, gây sỏi thận.

5. Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều

Lượng muối cao có thể phá vỡ sự cân bằng của các chất điện giải như natri và kali trong cơ thể. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều, đặc biệt ở những người có nguy cơ tiềm ẩn bệnh tim mạch.

6. Đau đầu thường xuyên

Như đã đề cập, ăn nhiều muối làm tăng huyết áp, gây phình mạch máu não. Điều này gây ra đau đầu thường xuyên, đặc biệt là ở vùng trán và thái dương. Ngoài ra, tiêu thụ muối quá mức gây mất nước và thay đổi lưu lượng máu, có thế góp phần dẫn đến tình trạng đau đầu hoặc đau nửa đầu. 

7. Da khô

Ăn nhiều muối làm mất cân bằng nước và khoáng chất trong cơ thể, giảm độ ẩm và đàn hồi của da. Da sẽ trở nên khô, nứt nẻ, kém mịn màng, đồng thời thúc đấy sự hình thành các nếp nhăn và đẩy nhanh quá trình lão hóa da.

8. Răng ố vàng và hôi miệng

Muối làm tăng độ acid của nước bọt, gây ăn mòn men răng và sâu răng. Đồng thời, nó cũng làm giảm lượng nước trong cơ thể, hạn chế khả năng làm sạch răng miệng của nước bọt. Điều này gây ra tình trạng răng ố vàng và hôi miệng.

Ăn nhiều muối ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng

Ăn nhiều muối ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng

Cách đơn giản giúp hạn chế lượng muối ăn hàng ngày

Nếu bạn đang ăn muối với lượng vượt quá mức khuyến nghị và gặp phải các triệu chứng được liệt kê ở trên, bạn có thể cân nhắc thực hiện một vài biện pháp giảm ăn mặn như sau:

- Ăn nhiều trái cây và rau củ quả.

- Hạn chế thói quen chấm hoa quả với các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai,…

- Ưu tiên ấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài có thể giúp bạn kiểm soát lượng muối được thêm vào.

- Kiểm tra bảng thông tin thành phần dinh dưỡng bên ngoài bao bì thực phẩm để xác định lượng muối có chứa trong đó.

- Chọn thực phẩm tươi thay vì thực phẩm đã qua chế biến: Chọn thịt gia cầm, cá và thịt nạc tươi thay vì những loại thịt đã được tẩm ướp, đóng hộp, muối hay hun khói chẳng hạn như thịt xông khói, giăm bông, thịt nguội, thịt ủ muối,... Đồng thời, hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như thức ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn. 

- Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên để tăng hương vị cho món ăn như chanh, dấm, tỏi, tiêu, ớt, thay vì dùng muối ăn hoặc các loại gia vị, nước sốt mặn như nước tương, nước mắm, sốt cà chua, tương ớt, nước sốt thịt nướng,...

- Nếu vẫn muốn chấm đồ ăn hoặc sử dụng các loại gia vị mặn để tăng thêm hương vị đậm đà cho món ăn, bạn nên cân nhắc pha loãng các loại nước chấm. Và thay vì chấm đẫm món ăn với nước chấm, hãy chỉ chấm nhẹ một chút. Ngoài ra, cũng nên hạn chế thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.

 
Trang Hương (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng