Khi nào và những ai cần bổ sung folate và acid folic?

Folate là vitamin B9 có trong thực phẩm như rau lá xanh, thịt gia cầm, gan, trái cây

Sự khác biệt giữa folate với acid folic với sức khỏe

Mẹ bổ sung acid folic có thể giúp ngăn ngừa tự kỷ ở trẻ?

5 loại thực phẩm nên ăn hàng ngày để bổ sung acid folic

Bà bầu bổ sung acid folic giúp bảo vệ con khỏi bệnh tâm thần phân liệt

Acid folic là vitamin B9 tổng hợp, có trong các loại thực phẩm đã được làm giàu và thực phẩm bổ sung. Nguồn vitamin B9 tự nhiên, tức folate, có trong rau lá xanh, trứng, gan và trái cây họ cam quýt. Acid folic cùng folate đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và những đối tượng dưới đây cần ưu tiên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng:

Phụ nữ sắp và đang mang bầu

Hầu hết các trường hợp dị tật đều xảy ra ở khoảng 3-4 tuần đầu của thai kỳ. Cung cấp đủ acid folic cho cơ thể người mẹ sẽ giúp tránh các dị tật cho thai nhi. Trong khi đó, các chị em ít khi nhận ra mình có thai đủ sớm để bổ sung acid folic.

Phụ nữ trong tuổi sinh sản có nhu cầu acid folic hàng ngày khoảng 400mcg. Nếu có kế hoạch có em bé, phụ nữ nên bắt đầu bổ sung acid folic trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng nên kết hợp nhiều thực phẩm giàu folate. 

Trong quá trình mang thai, phụ nữ cần tiếp tục bổ sung acid folic tùy theo tình hình sức khỏe: người mẹ đã từng mang thai, có mang thai đôi, đa thai hay không. Bà bầu nên tham khảo chỉ định của bác sỹ về công thức, liều lượng thực phẩm chức năng bổ sung acid folic phù hợp với thể trạng.

Phụ nữ đang cho con bú

Phụ nữ có thai và đang cho con bú cần bổ sung acid folic và folate

Người mẹ nên duy trì bổ sung acid folic trong thời gian cho con bú, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Liều lượng acid folic trong thời gian này có thể cần tăng lên, hãy xin ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung acid folic.

Người mắc bệnh thiếu máu

Folate và acid folic có vai trò quan trọng trong việc sản xuất hồng cầu, tế bào có nhiệm vụ mang oxy đi nuôi cơ thể. Nếu thiếu acid folic, cơ thể bạn có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu hồng cầu to. Tình trạng này thường xảy ra ở Bà bầu, tuy nhiên người nghiện rượu hoặc đang sử dụng một số thuốc điều trị cũng có thể mắc bệnh này.

Một số biểu hiện thiếu máu là mệt mỏi, đau đầu, nhợt nhạt, viêm niêm mạc miệng, lưỡi. Hãy thăm khám kịp thời nếu bạn có dấu hiệu thiếu máu.

Phụ nữ mãn kinh

Ở giai đoạn mãn kinh, phụ nữ vẫn cần 400mcg acid folic mỗi ngày. Tuy nhiên, acid folic không có tác dụng điều trị những triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm.

Người gặp rối loạn chuyển hóa

Những người có khiếm khuyết về gene ở các enzyme tham gia quá trình chuyển hóa acid folic thành folate sẽ có nhu cầu acid folic cao hơn bình thường. Hãy xin tư vấn của bác sỹ về lượng acid folic mà bạn cần bổ sung.

Người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ

Thiếu acid folic và folate dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Folate giúp giảm nồng độ homocysteine, một acid amino có liên quan tới các bệnh tim mạch. Nồng độ cao homocysteine trong cơ thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Tuy nhiên, để bảo vệ hệ tuần hoàn, bạn không nên lạm dụng viên uống bổ sung acid folic. Thay vào đó, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm giàu folate, nhiều hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.

Folate trong thực phẩm khá an toàn, nhưng bổ sung quá nhiều acid folic có thể gây ra một số tác dụng phụ tiêu cực như thay đổi về hormone giới tính, thay đổi tâm trạng và tương tác với một số loại thuốc. Dư thừa acid folic có thể che dấu tình trạng thiếu vitamin B12, cản trở cơ thể hấp thụ kẽm và khiến khối u phát triển mạnh hơn.

Quỳnh Trang H+ (Theo The Healthy)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng