- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Có nhiều loại vitamin bà bầu cần bổ sung để giúp thai nhi phát triển tốt hơn
Hồng trà có an toàn cho bà bầu?
Chế độ dinh dưỡng bà bầu sau khi sinh
Trẻ IQ cao hơn nếu mẹ ăn nhiều trái cây khi mang thai
Ăn gì để nuôi con thông minh từ ngay trong bụng mẹ?
Khi còn trong bào thai, dinh dưỡng của bé phụ thuộc hoàn toàn vào dinh dưỡng của người mẹ. Mẹ có chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ giúp bé phát triển khỏe mạnh, toàn diện mà còn giúp mẹ bầu có sức đề kháng và sức khỏe tốt hơn cho quá trình sinh nở và phục hồi sau sinh. Khi phụ nữ mang thai, nhu cầu vitamin và khoáng chất tăng lên cao. Dưới đây là một số vitamin và khoáng chất thiết yếu trong thai kỳ, các mẹ nhất định phải nắm rõ.
Acid folic
Acid folic (hay còn gọi là folate) là dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển, phân chia tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh. Nhu cầu acid folic ở người trưởng thành khoảng 180-200 mcg/ngày, trong khi mang thai cần tới 400 mcg/ngày để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng trong quá trình mang thai.
Các chuyên gia cho rằng, khoảng 50-70% các trường hợp dị tật ống thần kinh (NTDs) ở thai nhi có thể phòng tránh được nếu phụ nữ mang thai bổ sung acid folic trong khoảng thời gian từ trước khi thụ thai đến 4 tuần sau khi thụ thai.
Acid folic là một trong những vitamin nhóm B được tìm thấy trong các loại rau (đặc biệt là rau có màu xanh đậm), chẳng hạn như rau bina, măng tây, cải bruxen, đậu bắp, bông cải xanh và cũng có trong các loại hạt, các sản phẩm sữa, thịt gia cầm, chuối, dưa hấu, trứng, hải sản, đậu và đậu Hà Lan…
Calci
Bổ sung calci trong quá trình mang thai giúp giảm tình trạng chuột rút, đau mỏi xương khớp
Calci có vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và răng của trẻ. Vì vậy, cần bổ sung calci trong suốt thai kỳ để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu phát triển của thai nhi. Nếu không được bổ sung đầy đủ, thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương. Mẹ bầu có thể bị đau mỏi xương khớp, chuột rút, trường hợp nặng có thể co giật do hạ calci máu. Khi thiếu calci, thai nhi sẽ phải lấy calci từ cơ thể người mẹ để phát triển, từ đó dẫn đến hệ lụy là tăng nguy cơ loãng xương ở người phụ nữ sau sinh.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng (nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam) thì, đối với phụ nữ có thai (trong suốt thời kỳ mang thai) cần 1.200mg calci/ngày, đặc biệt tăng trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ khoảng 1.500mg/ngày. Calci có nhiều trong tôm, cua, sữa, cá, đậu, phô mai. Ngoài việc bổ sung calci qua chế độ ăn, thai phụ có thể sử dụng thêm viên uống calci.
Sắt
Sắt đóng cần thiết cho quá trình tạo máu và tạo nhân tế bào. Nhu cầu sắt ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai cũng tăng cao để đáp ứng với sự phát triển của bào thai, tránh nguy cơ mất máu lúc chuyển dạ. Sự thiếu hụt chất sắt có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là thiếu máu thiếu sắt, làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, thai chết lưu, chậm phát triển bào thai trong tử cung hoặc con nhẹ cân.
Ở phụ nữ mang thai, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 50% phụ nữ mang thai trên thế giới bị thiếu máu.
Sắt có nhiều trong thịt, cá, lòng đỏ trứng, các loại nhuyễn thể như nghêu, sò, ốc, hến, trong ngũ cốc, đậu, rau có lá màu xanh đậm, bí ngô, phủ tạng động vật và đặc biệt là tiết. Phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 60mg sắt mỗi ngày trong suốt thời gian mang thai đến sau sinh 1 tháng.
Iod
Nhu cầu iod của phụ nữ mang thai khoảng 175- 200mcg iốt mỗi ngày
Khi mang thai, nhu cầu iod của cơ thể mẹ bầu sẽ tăng lên 50% để đáp ứng nhu cầu hormone tuyến giáp của cả mẹ và thai nhi. Iod đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tuyến giáp tổng hợp các hormone cần thiết để điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Vì vậy, thiếu iod có thể làm cho quá trình trao đổi chất ở cơ thể mẹ và thai nhi giảm đi, gây ảnh hưởng đến não. Thiếu iod trong những tháng đầu của thai kỳ thậm chí có thể gây sảy thai, sinh non hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác.
Nguồn cung cấp iod tốt nhất là từ cá, cua, tôm, sò, rong biển... Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần sử dụng thêm muối iod để bổ sung đủ iod hoặc bổ sung iod qua viên uống vitamin cho bà bầu có thành phần bổ sung iod.
Kẽm
Bổ sung kẽm cần thiết cho quá trình hình thành, sửa chữa và hoàn thiện chức năng của ADN. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến vô sinh, sinh non, sảy thai, nhiễm độc thai kỳ hoặc có thể sinh già tháng, thai nhi sinh ra không bình thường. Nhu cầu kẽm của phụ nữ mang thai là khoảng 15mg/ngày. Kẽm có nhiều trong tôm cua, sò ốc, hàu, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa.
DHA
DHA có vai trò lớn đối với sự phát triển của thai nhi. DHA trong omega-3 giúp phát triển hệ thần kinh trung ương của bé từ những tuần đầu tiên của thai kỳ. DHA còn giúp phát triển võng mạc mắt, giảm nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân. Bổ sung DHA từ trước khi mang thai là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong những tuần đầu tiên, giai đoạn phát triển của hệ thần kinh trung ương.
DHA có trong các thực phẩm như: Cá, lòng đỏ trứng gà, sữa, thịt đỏ, các loại hạt... Tuy nhiên việc cung cấp DHA qua viên uống omega-3 là thuận lợi nhất. Liều DHA tối thiểu cho người trưởng thành khoảng 220 mg/ngày, cho thai phụ và cho con bú khoảng 300 mg/ngày.
Bình luận của bạn