Cơ phó Andreas Lubitz, 28 tuổi liên quan đến vụ điều khiển máy bay rơi làm 150 người thiệt mạng được cho là trước đây phải điều trị trầm cảm. Ảnh: Psychcentral
Kiểm soát bệnh trầm cảm như thế nào khi không dùng thuốc?
Trầm cảm tuổi già: Trị bằng yêu thương
Bà bầu trầm cảm, thai nhi dễ bị hen suyễn
Thuốc chống trầm cảm có thể điều trị suy tim
Liên quan đến việc máy bay hãng Germanwings của Đức được điều khiển lao vào vùng núi ở Pháp làm 150 người thiệt mạng, cơ phó Andreas Lubitz được xác định từng có lịch sử trầm cảm và đang trải qua "cuộc khủng hoảng đời sống riêng". Cơ quan chức năng còn phát hiện giấy chứng nhận ốm bị xé nát trong nhà người này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 350 triệu người bị trầm cảm và cứ 20 người có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Các rối loạn trầm cảm thường xảy ra khi tuổi đời còn trẻ, làm giảm khả năng lao động và thường tái phát. Trầm cảm nặng đã trở thành nguyên nhân quan trọng dẫn đến gánh nặng ngân sách bệnh tật toàn cầu sau tự tử và bệnh tim mạch. Mỗi năm có khoảng một triệu người tìm đến cái chết vì tự tử do ám ảnh bệnh tật.
Bác sỹ Phạm Văn Trụ - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến với tình trạng giảm khí sắc, mất hứng thú, giảm năng lực ý chí, cảm giác có tội lỗi hay tự đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống và khả năng tập trung suy nghĩ làm việc kém. Bệnh nhân buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, cảm thấy cô độc, ngủ không ngon, ăn nhạt miệng, làm việc không xong tới cuối, mặc cảm thua kém, khi rầu rĩ lâu ngày hay nghĩ đến cái chết.
Theo bác sỹ Trụ, bệnh nhân hay kèm lo lắng, nặng đầu, đau mỏi vai gáy, ép ngực hồi hộp, tay chân lạnh… Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận. Các biểu hiện trầm cảm thường trở nên mạn tính, tái diễn dẫn tới suy giảm đáng kể khả năng tự chăm sóc. Người bệnh trầm cảm có thể dẫn tới tự tử. Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh, nữ nhiều hơn nam 2 lần.
Trầm cảm có thể nguy hiểm đối với người khác từ những suy nghĩ về cái chết, ý tưởng tự tử. Ví dụ rõ ràng nhất là giết người rồi tự tử và đây là một vấn đề khó khăn trên toàn thế giới. Đó có thể là giết trẻ sơ sinh sau sinh (trầm cảm loạn thần sau sinh), cha mẹ giết con, thanh thiếu niên giết cha mẹ, giết người cao tuổi, giết người hàng loạt...
Một số hoàn cảnh dễ dẫn tới trầm cảm là những cú sốc tinh thần, sang chấn tâm lý, áp lực công việc học hành, đổ vỡ sự nghiệp, đối diện với những khó khăn quá lớn, bất hòa kéo dài, phụ nữ sau sinh... Người lớn tuổi biểu hiện phiền muộn đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn, dễ lầm với bệnh già.
Bác sỹ Trụ khuyến cáo, người bệnh không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, cho người thân. Khi phát hiện người bị trầm cảm phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp đi khám bác sỹ chuyên khoa sớm sẽ tránh được cơn trầm uất, thất thần quẫn trí. Bệnh nhân trầm cảm cần phải thăm khám nhiều lần để điều trị, theo dõi đề phòng triệu chứng nặng thêm.
Bạn bè và người thân trong gia đình là đường dây nối kết và là yếu tố quan trọng trong chữa trị thành công bệnh trầm cảm. Cần hiểu biết về trầm cảm, hỗ trợ điều trị, giúp đỡ trong cuộc sống, duy trì thường xuyên các họat động trước kia của người bệnh. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tự tử, đánh giá nghiêm chỉnh về tự tử, ngay từ khi phát hiện bệnh nhân có ý nghĩ muốn chết.
Bình luận của bạn