Cô đơn trong khoảng thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ.
3 biện pháp nhỏ giúp đẩy lùi “tâm bệnh” cô đơn
WHO: Cô đơn là mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu
Cô đơn là một cảm giác tự nhiên, không thể và không nên né tránh
Càng cảm thấy cô đơn, càng thèm ăn đồ ngọt!
Sự cô đơn đi kèm với tình trạng cô lập xã hội thường liên quan đến sức khỏe suy giảm. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân trực tiếp gặp nhiều khó khăn do các nghiên cứu hiện tại chủ yếu dựa trên quan sát. Các nhà khoa học đã đề xuất một số cơ chế sinh học tiềm ẩn để giải thích tác động tiêu cực của sự cô đơn lên cơ thể. Cụ thể, sự cô đơn có thể dẫn đến giảm nồng độ các hormone có lợi, gây ra những ảnh hưởng bất lợi lên hệ tim mạch, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và gây rối loạn hệ thống thần kinh nội tiết, biểu hiện qua tình trạng thiếu ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém.
Thêm vào đó, cảm giác cô đơn có thể làm tăng xu hướng thực hiện các hành vi có hại cho sức khỏe như lạm dụng rượu bia, ăn uống quá độ, hút thuốc lá và quan hệ tình dục không an toàn như một cách để đối phó với cảm xúc tiêu cực. Cần lưu ý rằng, sự cô đơn là một trải nghiệm cảm xúc chủ quan, có thể phát sinh từ tình trạng cô lập xã hội thực tế hoặc do sự thiếu vắng niềm tin và kết nối sâu sắc với những người xung quanh.
Sự cô đơn, viêm nhiễm và căng thẳng
Cô đơn đã được chứng minh là có mối liên hệ với sự gia tăng các dấu hiệu sinh học của tình trạng viêm trong cơ thể. Tình trạng viêm mạn tính này được biết đến là yếu tố liên quan đến sự phát triển của các bệnh tim mạch và nhiều bệnh mạn tính khác, từ đó làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
Ngoài các yếu tố nội tiết tố, căng thẳng tâm lý cũng có khả năng kích hoạt hệ thần kinh tự chủ và trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA). Sự kích hoạt kéo dài của các hệ thống này có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi lên hệ tim mạch, hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất.

Gặp gỡ và giao lưu cùng mọi người có thể cải thiện gần như tuyệt đối trạng thái cô đơn, cô lập xã hội.
Sự cô đơn như một yếu tố nguy cơ tử vong sớm
Sự cô đơn làm gia tăng đáng kể nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân, với mức độ ảnh hưởng tương đương với các yếu tố nguy cơ đã được biết đến như hút thuốc lá, béo phì và thiếu vận động. Theo một bài phân tích tổng hợp từ 148 nghiên cứu trên tổng số hơn 300 nghìn người tham gia trong khoảng 7,5 năm cho thấy tỷ lệ tử vong chung ở những người cô đơn cao hơn gấp 1,5 lần so với những người không cô đơn.
Mức tăng nguy cơ này tương đương với việc hút khoảng 15 điếu thuốc lá mỗi ngày và thậm chí còn vượt qua nguy cơ tử vong do béo phì gây ra. Điều quan trọng là các nghiên cứu này đã chứng minh rằng tác động tiêu cực của sự cô đơn lên tỷ lệ tử vong là độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác.
Và cũng gây ảnh hưởng xấu tới tim mạch
Những người cô đơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành tăng khoảng 29% và nguy cơ đột quỵ tăng khoảng 32%. Mức độ ảnh hưởng này tương đương với tác động của sự lo lắng và căng thẳng trong công việc, vốn cũng được xác định là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch vành. Phát hiện này củng cố thêm các bằng chứng hiện có cho thấy sự cô đơn có khả năng dự báo tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Đối với các bệnh tim mạch khác, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cô đơn có thể làm tăng huyết áp tâm thu. Tác động này đặc biệt có hại ở người lớn tuổi, do độ cứng động mạch tự nhiên tăng theo tuổi. Còn với những người dưới 40 tuổi, sự gia tăng huyết áp tâm thu chủ yếu là do tăng tổng sức cản ngoại biên. Huyết áp cao kéo dài có thể dẫn đến tình trạng xơ cứng động mạch sớm, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp toàn thân.
Do đó, những người trải qua sự cô đơn có thể phát triển những thay đổi về cấu trúc trong động mạch, thúc đẩy quá trình lắng đọng collagen và làm giảm độ đàn hồi của mạch máu.
Bình luận của bạn