Chăm sóc răng cho trẻ khi còn nhỏ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe sau này
Thói quen nên tránh để giữ răng miệng khỏe mạnh
Hướng dẫn lựa chọn sản phẩm chăm sóc răng miệng cho trẻ
Mách bạn cách trị hôi miệng do sâu răng
Vì sao ăn rau lá xanh có lợi cho sức khoẻ răng miệng?
Phát hiện sớm dấu hiệu răng sâu
Sâu răng xảy ra khi các vi khuẩn trong khoang miệng kết hợp với thức ăn và nước bọt tạo nên mảng bám trên răng. Tính acid của mảng bám bào mòn lớp men răng có nhiệm vụ bảo vệ răng, từ đó gây ra các lỗ sâu.
Dấu hiệu điển hình cảnh báo răng bị sâu là bạn cảm thấy đau, ê buốt khi ăn uống, dù là đồ nóng, đồ lạnh hay các món ăn ngọt. Mức độ đau tùy thuộc vào từng người. Trẻ em cũng chưa thể mô tả rõ triệu chứng đau răng cho cha mẹ.
Giai đoạn đầu, sâu răng chỉ gây đốm màu trắng trên bề mặt răng. Theo thời gian, vi khuẩn tiếp tục tấn công khiến lớp men răng bên ngoài bị tổn thương nhiều hơn, khiến đốm chuyển màu vàng nhạt dần tới nâu đậm. Các lỗ sâu trên bề mặt răng có thể nhận ra bằng mắt thường, nhưng rất khó phát hiện nếu xuất hiện ở kẽ răng.
Trẻ thay răng sữa bằng răng vĩnh cửu trong khoảng 6-12 tuổi. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh coi nhẹ tầm quan trọng khi chăm sóc răng sữa. Theo nha sĩ Anne Clemons – hệ thống y tế Cleveland Clinic, trừ khi răng sữa bị sâu là răng sắp rụng, trẻ cần được điều trị. Sâu răng mới chớm được dùng thuốc trị sâu răng như silver diamine fluoride (SDF). Dù hiệu quả, SDF khiến răng chuyển màu đen.
Trường hợp nặng hơn, răng sâu cần được hàn trám lỗ sâu, thậm chí nhổ bỏ. Mọi thủ thuật này đều có thể khiến trẻ em sợ hãi, e ngại tới phòng khám nha khoa.
4 bí quyết dự phòng sâu răng ở trẻ em
Cha mẹ nên giúp trẻ hình thành thói quen chăm sóc răng miệng ngay từ sớm để bảo vệ răng chắc khỏe đến khi trưởng thành. 4 biện pháp cần thiết nhất gồm:
Đánh răng kết hợp dùng chỉ nha khoa
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám và các acid gây sâu răng. Theo BS.g Clemons, khi trẻ chưa mọc răng, cha mẹ nên dùng gạc sạch để vệ sinh nướu cho bé hàng ngày. Khi chiếc răng sữa đầu tiên nhú lên, trẻ có thể bắt đầu đánh răng 2 lần/ngày với bàn chải phù hợp với độ tuổi và một lượng kem đánh răng chỉ bằng hạt gạo.
Khi trẻ có từ 2 răng trở lên và răng chạm vào nhau, cha mẹ nên hướng dẫn con dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày để vệ sinh kẽ răng.
Từ 3 tuổi trở lên, trẻ có thể dùng lượng kem đánh răng bằng hạt đậu, đánh răng đủ 2 phút. Trẻ lớn có thể tự đánh răng mà không cần cha mẹ trợ giúp, tuy nhiên, phụ huynh nên dành thời gian giám sát, giúp con thực hiện kỹ thuật đánh răng chuẩn và kỹ càng.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Các vi khuẩn gây sâu răng phát triển nhờ thức ăn, đồ uống mà trẻ sử dụng hàng ngày. Nước ngọt có gas, nước trái cây, kẹo, bánh ngọt, bánh quy… đều góp phần gây sâu răng nếu trẻ không vệ sinh răng đúng cách sau khi ăn. Trong khi đó, đây lại là những thực phẩm trẻ em cực kỳ yêu thích.
Phụ huynh nên chủ động giúp trẻ cắt giảm nước ngọt, hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt vào bữa phụ. Thay vào đó, trẻ nên ăn các món ăn ít đường, giàu protein, chất xơ và chất béo lành mạnh.
Với trẻ chưa mọc răng, cha mẹ không nên cho trẻ ôm bình sữa, bình nước trái cây liên tục.
Cho trẻ dùng riêng dụng cụ cá nhân
Trẻ nhỏ sinh ra vốn không có vi khuẩn có hại nào trong khoang miệng. Nguồn lây nhiễm thân cận nhất đến từ cha mẹ và người thân trong gia đình, khi dùng chung thìa, cốc, bát với trẻ. Phụ huynh nên cho con dùng bát đũa riêng, bỏ thói quen mớm ăn, tránh dùng chung thìa khi đút ăn cho con.
Đưa trẻ đi khám răng định kỳ
Trẻ nên được đưa tới phòng khám, cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra răng miệng khi được 1 tuổi, hoặc khi có răng sữa đầu tiên. Sau đó, cứ 6 tháng, cha mẹ nên cho con đi khám răng định kỳ. Bác sĩ, nha sĩ giúp phát hiện sớm dấu hiệu sâu răng trước khi lỗ sâu hình thành, đồng thời kiểm tra nướu lợi và toàn bộ sức khỏe khoang miệng.
So với cha mẹ, các bác sĩ cũng có thể hướng dẫn trẻ các bước vệ sinh răng miệng chuẩn chỉnh hơn.
Bình luận của bạn