Người dân khai thác và phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu dưới tán rừng - Ảnh: Báo Quảng Nam
Thay đổi tư duy để xây dựng kinh tế dược liệu
Nhận diện sâm Ngọc Linh - dược liệu quý hiếm và đắt đỏ
Trồng cây dược liệu: Từ vườn nhà, vườn rừng ra cánh đồng lớn
Quà xứ Nghệ Tết này!
Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây là cơ sở để phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD.
Dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung và phát triển trồng cây dược liệu nói riêng, thực tế việc đầu tư vào trồng cây dược liệu vẫn vấp phải nhiều cản trở, thách thức lớn. Đây là chia sẻ từ kinh nghiệm của ông Trịnh Hiền Trung - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH (TH Herbals, thuộc Tập đoàn TH) và ông Vũ Văn Tâm - Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia trong tọa đàm “Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Rào cản trên con đường "đưa thảo dược Việt trở lại bản đồ thế giới"
Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời. Tuy nhiên, quá trình khai thác và tiếp cận dược liệu hiện nay lại chưa tương xứng với tiềm năng này.
Ông Trịnh Hiền Trung cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng đến nay vẫn chưa ai chỉ ra được về tầm nhìn và sứ mệnh của ngành dược liệu Việt Nam. "Đây là câu chuyện của cả một thế hệ, cả một đời người, chứ nó không phải chỉ là một cái câu chuyện trong vòng ba năm, năm năm của một doanh nghiệp", ông Trung nêu quan điểm.
Từ kinh nghiệm triển khai làm kinh tế dưới tán rừng tại TH Herbals, ông Trung phân tích, đa số cây thuốc quý đang nằm tại miền núi, những vùng xa xôi. Việc khai thác chủ yếu nhờ vào đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống ở các địa phương đó. Đây là lực lượng chính tham gia vào làm kinh tế, nhưng việc thực hiện thế nào cần doanh nghiệp dẫn dắt đúng hướng.
Khó khăn trước hết là thiếu thông tin về thị trường dược liệu. Ông Trung so sánh, ngành hồ tiêu, cà phê đã có những chỉ số rõ rệt về giá, nhu cầu hay sản lượng trên thế giới. Nhưng ngành dược liệu còn chưa xác định được nên trồng cây gì, sản phẩm đó trên thế giới có nhu cầu thế nào, vùng trồng có lợi thế hay không để xác định mức giá.
Theo ông Trung, cơ quan quản lý của nhà nước hoàn toàn có thể cung cấp những thông tin làm căn cứ cho người dân và doanh nghiệp đầu tư. Dữ liệu có thể phân tích dựa trên báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường có uy tín trên thế giới, từ đó đưa ra những khuyến cáo cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, ông Trung cho rằng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu đối diện với nhiều rủi ro và cần được hỗ trợ nhiều hơn từ phía Nhà nước. Theo ông, doanh nghiệp phải cân nhắc rất nhiều khi đầu tư, hợp tác với người dân khai thác dược liệu. Do dược liệu tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, tỷ suất đầu tư lớn hơn nhiều so với miền xuôi.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp dược liệu gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng như nguồn điện, nguồn nước sạch. Đây là những yếu tố cần thiết để sơ chế, chế biến sâu dược liệu thành hàng hóa, tăng giá trị của dược liệu. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH bộc bạch: "Rất nhiều doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa khi hỏi về điện, hạ tầng với chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Rất mong các bộ, ban, ngành và Đảng, Nhà nước đã chú trọng về lĩnh vực này sẽ có thêm những quy định cụ thể mà doanh nghiệp có thể áp dụng được."
Cần thêm quy định mang tính thực tiễn trong phát triển vùng dược liệu
Theo các chuyên gia, để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu, nước ta cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn. Ông Vũ Văn Tâm - Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia cho biết, công ty đã xây dựng Công viên Trà Hoa vàng ở Ninh Bình thành nơi bảo tồn tất cả các giống trà hoa vàng Việt Nam. Đây được đánh giá là dược liệu quý, tác dụng tốt cho sức khỏe của con người. Trong quá trình bảo tồn, đơn vị sẽ lựa chọn những loài trà hoa vàng tốt nhất, có năng suất cao nhất để phát triển thành những vùng sản xuất nguyên liệu cho sản phẩm thương mại. Tiếp đó, doanh thu từ sản phẩm thương mại cũng được sử dụng phục vụ cho công tác bảo tồn.
Theo Thông tư của Bộ Y tế về việc hỗ trợ và phát triển vùng trồng dược liệu quý, tổng diện tích các khu vực triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý không nhất thiết phải liền thửa; Ưu tiên hỗ trợ dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có ứng dụng cao và không còn gói gọn trong diện tích là 30ha. Ông Trung và ông Tâm đều đánh giá đây là sự điều chỉnh thiết thực, hợp lý và giúp "cởi trói" cho doanh nghiệp làm kinh tế dược liệu. Ông Trung cho hay: "Ở vùng núi làm sao mà tìm được chỗ 30ha liền vùng liền thửa. Ngay cả đến 3ha liền khoảnh thôi cũng đã là vô cùng khó rồi." Quy định này cũng giúp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học – tiêu chí cần cho sản phẩm dược liệu có thể vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Tâm chia sẻ, quá trình quy hoạch vùng nguyên liệu trà hoa vàng có sự tham gia của người dân vào công tác trồng trọt. Người dân sử dụng diện tích rừng của mình để trồng xen canh những cây dược liệu quý vào cây rừng đã sẵn có, hoặc là những cây lâu năm, cây ăn quả sẽ tạo ra được nguồn nguyên liệu tốt. Còn doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân và sẽ thu mua những cái sản phẩm tươi để mà chế biến tại doanh nghiệp. Với vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới), đơn vị có thể sản xuất ra dược liệu đạt tiêu chuẩn cao.
Bình luận của bạn