Giữ cho tinh thần khỏe mạnh là rất quan trọng với mỗi người
Nghe kém làm suy giảm chức năng thần kinh
Rối loạn thần kinh thực vật có khỏi được không?
7 tư thế yoga lấy cảm hứng từ động vật để rèn luyện sức khỏe
Gợi ý thực đơn cho tuần mới vui vẻ, khỏe mạnh hơn
1. Vận động cơ thể mỗi ngày
Vận động thể chất là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe não bộ. Sau mỗi buổi tập thể dục, bạn có thể cảm thấy tinh thần sảng khoái và trí nhớ được cải thiện. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ thực sự phát huy khi thói quen tập thể dục được duy trì thường xuyên.
Những người tập thể dục đều đặn có nguy cơ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm và các rối loạn về nhận thức như sa sút trí tuệ thấp hơn. Vận động thể chất cũng giúp cải thiện tuần hoàn máu, từ đó hỗ trợ quá trình kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não, thúc đẩy khả năng nhận thức và chức năng não bộ.
2. Quản lý lo âu
Lo âu là vấn đề thường gặp trong cuộc sống, nhưng có nhiều cách để kiểm soát cảm giác này. Một trong những phương pháp hiệu quả là đối diện với nỗi sợ hãi của mình.
Bạn có thể thử các liệu pháp như điều trị nhận thức hành vi hoặc tự ghi lại những suy nghĩ lo âu và nhìn nhận lại chúng một cách khách quan. Hãy nhớ rằng, lo âu không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế. Và đôi khi, chỉ cần bạn đối mặt với nó, cảm giác lo lắng sẽ giảm đi.
3. Thử thách trí óc
Mặc dù những trò chơi trí tuệ như giải đố hay học một ngôn ngữ mới không thể làm bạn trở thành thiên tài ngay lập tức, nhưng chúng sẽ giúp duy trì sự linh hoạt của não bộ. Những hoạt động như đọc sách, chơi cờ hay thậm chí học điều gì đó mới sẽ giúp bạn duy trì sự nhạy bén và sức khỏe não bộ cũng từ đó tốt lên.
4. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ là yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe tinh thần. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn có thể gặp phải các vấn đề như căng thẳng, dễ nổi giận và khó tập trung.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn có thể thử phương pháp điều trị nhận thức cho chứng mất ngủ (CBT-I), thay vì chỉ dựa vào thuốc ngủ. CBT-I bao gồm việc nhận diện và thay đổi các yếu tố tâm lý và hành vi gây ra chứng mất ngủ, chẳng hạn như lo âu, căng thẳng hoặc những thói quen xấu trước khi ngủ. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mình và tìm cách khắc phục chúng. Giấc ngủ ngon sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và giữ tâm trạng luôn ổn định.
5. Thoát khỏi cảm giác bế tắc
Đôi khi trong cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy bế tắc, nhưng thay vì lo lắng, hãy thử tìm cách giải quyết vấn đề. Hãy làm một “kiểm tra ma sát” để xem có những thói quen hoặc tình huống nào đang làm bạn căng thẳng và tìm cách giảm bớt chúng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử "tưởng tượng tương lai", vạch ra những bước đi nhỏ để cải thiện tình hình và tiến về phía trước một cách lạc quan.
6. Giữ cơ thể mát mẻ vào mùa Hè
Nhiệt độ cao có thể làm giảm khả năng tập trung và gây ra sự cáu kỉnh. Vào những ngày Hè oi bức, việc giữ cơ thể được mát mẻ và uống đủ nước là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái mà còn hỗ trợ não bộ hoạt động tốt hơn, giảm căng thẳng và mệt mỏi, từ đó duy trì hiệu suất làm việc và học tập hiệu quả hơn.
7. Bớt khắt khe với bản thân
Nếu bạn thường xuyên tự chỉ trích bản thân, hãy thử thay đổi cách nhìn nhận về chính mình. Thay vì quá khắt khe với những sai sót nhỏ, hãy học cách công nhận những thành tựu và nỗ lực mà bạn đã đạt được. Mỗi người đều có lúc mắc lỗi và điều quan trọng là không để những sai lầm đó ảnh hưởng quá lâu đến tâm trạng và sự tự tin của bản thân.
Khi bạn thay đổi cách suy nghĩ này, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng chấp nhận bản thân hơn, từ đó xây dựng được sự tự tin và giữ vững tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
8. Chăm sóc sức khỏe thể chất
Sức khỏe thể chất và tinh thần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe tinh thần của bạn cũng sẽ được cải thiện.
Hãy duy trì các thói quen tốt như ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục thường xuyên và kiểm soát huyết áp để bảo vệ não bộ và phòng ngừa các bệnh lý như trầm cảm và sa sút trí tuệ.
9. Tìm kiếm sự kết nối xã hội
Cảm giác cô đơn có thể ảnh hưởng đến tâm lý và gây hại cho sức khỏe não bộ. Nghiên cứu cho thấy cô đơn kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các vấn đề thần kinh khác. Vì vậy, hãy chủ động kết nối với bạn bè, gia đình hoặc tham gia các nhóm sở thích để giảm thiểu cảm giác cô đơn và tạo dựng các mối quan hệ bền vững.
10. Tha thứ hoặc…không!
Mặc dù nhiều nghiên cứu cho rằng tha thứ có thể giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực, nhưng không phải lúc nào tha thứ cũng là lựa chọn tốt nhất. Nếu bạn không cảm thấy sẵn sàng tha thứ, đó cũng không sao. Quan trọng là bạn sống sao để cảm thấy nhẹ nhõm và không bị gánh nặng bởi những cảm xúc tiêu cực. Và đôi khi, không tha thứ cũng là cách để bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình.
Bình luận của bạn