Chơi cầu lông nếu không khởi động kỹ hoặc chơi quá sức rất dễ gây chấn thương.
Vì sao tập thể dục lại là “cứu cánh” của người bệnh tăng huyết áp?
Bài tập có thể giúp cải thiện giấc ngủ
Những thực phẩm có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Dưỡng ẩm cho da độ tuổi 30, 40, 50 khác nhau thế nào?
1. Viêm lồi cầu ngoài và trong xương cánh tay
Viêm lồi cầu ngoài là tình trạng đau ở mặt ngoài khuỷu tay, do lặp lại các động tác vung vợt không đúng kỹ thuật hoặc quá sức. Trong khi đó, viêm lồi cầu trong gây đau ở mặt trong khuỷu tay, thường gặp khi gập cổ tay hoặc đánh cầu mạnh tay liên tục. Cả hai đều có thể gây tê, nóng rát lan xuống cẳng tay và ảnh hưởng đến khả năng cử động.
2. Chấn thương khớp vai
Khớp vai phải hoạt động mạnh khi đánh cầu, nhất là các động tác “smash” (đập cầu) hoặc giao cầu cao. Nếu không khởi động kỹ hoặc chơi quá sức, người chơi có thể bị viêm gân chóp xoay hoặc căng, rách cơ. Tình trạng này gây đau vai, hạn chế vận động và có thể ảnh hưởng lâu dài nếu không điều trị đúng cách.
3. Chấn thương cổ tay
Việc xoay và quật mạnh cổ tay khi đánh cầu rất dễ dẫn đến viêm gân, bong gân hoặc thậm chí gãy xương. Các triệu chứng thường bao gồm sưng, đau nhói, bầm tím và khó cử động khớp cổ tay. Đây là chấn thương phổ biến do sử dụng vợt nặng, cầm nắm sai kỹ thuật hoặc chơi liên tục không nghỉ.
4. Bong gân cổ chân
Di chuyển nhanh, đổi hướng liên tục và tiếp đất sai tư thế có thể khiến cổ chân bị lật vào trong, làm giãn hoặc rách dây chằng bên ngoài mắt cá chân. Vết thương gây sưng, đau và bầm tím, có thể khiến người chơi phải nghỉ tập dài ngày.
5. Chấn thương khớp gối
Khớp gối phải chịu áp lực lớn khi bật nhảy, lunge hoặc di chuyển đột ngột. Các chấn thương thường gặp là viêm gân bánh chè, bong gân hoặc rách dây chằng. Người bị chấn thương gối có thể cảm thấy đau, sưng và khó duỗi thẳng chân.
6. Chấn thương vùng lưng
Đối với người chơi trên 30 tuổi hoặc có cơ địa kém linh hoạt, các kỹ thuật như rướn người, xoay người đột ngột dễ khiến vùng lưng bị căng cơ hoặc tổn thương cột sống. Nếu không chú ý, chấn thương này có thể tái phát và ảnh hưởng lâu dài.
Cách phòng ngừa chấn thương hiệu quả
Khởi động kỹ trước khi chơi
Các bài khởi động đơn giản như xoay khớp, giãn cơ hay đi bộ nhẹ giúp làm nóng cơ thể, tăng lưu thông máu và giảm nguy cơ tổn thương. Đây là bước không thể thiếu trước bất kỳ trận đấu nào.
Tập luyện đúng kỹ thuật
Kỹ thuật sai là nguyên nhân chính gây chấn thương. Người mới chơi nên học bài bản từ huấn luyện viên để biết cách cầm vợt, di chuyển và đánh cầu đúng cách. Tránh thực hiện các động tác quá sức khi chưa đủ thể lực.
Sử dụng giày và trang phục phù hợp
Giày cầu lông chuyên dụng với độ bám tốt, hỗ trợ cổ chân và vòm bàn chân giúp giảm tải cho các khớp. Trang phục thoáng khí và co giãn tốt cũng tạo điều kiện thuận lợi khi di chuyển và ra đòn.

Giày đánh cầu phải là giày có độ bám tốt, tránh lật cổ chân
Nghỉ ngơi hợp lý và phục hồi sau tập luyện
Cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng và phục hồi cơ bắp. Massage nhẹ, giãn cơ sau khi chơi và ngủ đủ giấc sẽ giúp hạn chế tình trạng đau nhức và giảm nguy cơ chấn thương lặp lại.
Tăng cường thể lực toàn diện
Ngoài tập kỹ thuật, người chơi nên kết hợp các bài tập chạy bộ, cardio hoặc tăng sức mạnh cơ để cải thiện khả năng chịu tải và phản ứng cơ thể trong trận đấu.
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi cần thiết
Băng cổ tay, khuỷu tay hoặc đầu gối có thể hỗ trợ các vùng khớp yếu. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì dễ gây lệ thuộc và hạn chế sự linh hoạt tự nhiên của cơ thể.
Chấn thương khi chơi cầu lông là điều không thể xem nhẹ, đặc biệt với người chơi thường xuyên hoặc thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc hiểu rõ các loại chấn thương thường gặp, nhận biết sớm triệu chứng và tuân thủ biện pháp phòng ngừa sẽ giúp người chơi duy trì phong độ, nâng cao sức khỏe và chơi thể thao một cách an toàn, hiệu quả.
Bình luận của bạn