Rau mầm chứa nhiều chất chống oxy hóa và hợp chất sinh học có lợi cho sức khỏe
Mách bạn cách trồng rau mầm đơn giản tại nhà
Tối nay ăn gì: Salad rau mầm củ cải đỏ trộn thịt bò
Muốn giảm cân, hãy thử ăn rau mầm!
Rau mầm bắp cải tím có lợi cho bệnh tim mạch
Rau mầm là rau non, được thu hoạch khi mới mọc lá đầu tiên (thường sau 7-21 ngày từ khi hạt nảy mầm). Trong rau mầm có hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cao. Rau tăng trưởng nhanh chóng, không đòi hỏi nhiều không gian nuôi trồng mà giá trị dinh dưỡng cao. Vì thế, đây là giải pháp đầy hứa hẹn để cải thiện chế độ ăn uống, đặc biệt là ở khu vực đô thị với tài nguyên hạn chế.
Tuy nhiên, mặc dù rau mầm ngày càng phổ biến, chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng cụ thể và lợi ích sức khỏe của thực phẩm này. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như cường độ ánh sáng, nhiệt độ và giá thể trồng có thể ảnh hưởng đáng kể đến dinh dưỡng. Tìm hiểu về tiềm năng của rau mầm có thể hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng toàn cầu.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Báo cáo Khoa học (Scientific Reports), các nhà khoa học từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành so sánh giá trị dinh dưỡng và hoạt chất sinh học của 6 loại rau mầm để đánh giá tiềm năng của rau mầm như thực phẩm chức năng.

Rau mầm bông cải xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, giảm viêm
Các loại rau mầm được trồng gồm: Bông cải xanh, củ cải đen, củ dền đỏ, đậu Hà Lan, hướng dương và đậu que. Hạt được ươm trên giá thể than bùn trong môi trường có kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Sau đó, rau sẽ được thu hoạch sau khi mọc 2 lá mầm, trong khoảng 1-3 tuần.
Kết quả cho thấy, 6 loại rau mầm trên có thành phần dinh dưỡng đa dạng. Hàm lượng acid ascorbic dồi dào nhất trong rau mầm đậu que, cho thấy đây là nguồn vitamin C tuyệt vời cho hệ miễn dịch. Rau mầm đậu que cũng giàu kali, magne.
Rau mầm đậu Hà Lan giàu phospho và đồng, các vi chất cần thiết cho sức khỏe xương và tim mạch.
Rau mầm bông cải xanh chứa tổng lượng chất chống oxy hóa phenolic cao nhất, theo sau là rau mầm củ cải đen và hạt hướng dương. Thực phẩm này sẽ là lựa chọn phù hợp cho chế độ ăn giảm viêm, đẩy lùi stress oxy hóa. Ngoài ra, rau mầm bông cải xanh còn giàu sắt và mangan cần thiết cho quá trình chuyển hóa hồng cầu.
Rau mầm củ dền đỏ có tổng hàm lượng flavonoid cao nhất, theo sau là củ cải đen, cho thấy hoạt tính sinh học mạnh mẽ của hai loại rau mầm.
Rau mầm hạt hướng dương nổi trội về hàm lượng calci, phù hợp cho người có nguy cơ loãng xương như phụ nữ mãn kinh, người cao tuổi.

Rau mầm củ dền đỏ cung cấp nhiều chất chống oxy flavonoid
Đường glucose cũng là thành phần chủ yếu trong rau mầm, đặc biệt là mầm củ dền đỏ. Trong số các acid hữu cơ, acid citric có trong củ cải đỏ, acid succinic có trong rau mầm đậu que và acid fumaric có trong rau mầm hướng dương.
Đặc biệt, trong rau mầm còn chứa các hợp chất hữu cơ bay hơi có mùi như alcohol, ketone và terpene, tạo nên hương vị hấp dẫn khi ăn.
Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu kết luận, rau mầm củ dền đỏ cung cấp một nguồn flavonoid phong phú cho sức khỏe tim mạch, trong khi rau mầm củ cải đen thể hiện các đặc tính chống oxy hóa mạnh. Rau mầm đậu que và hướng dương cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sức khỏe miễn dịch và xương.
So với rau ăn lá hoặc củ được thu hoạch, rau mầm vượt trội về hàm lượng dinh dưỡng. Những phát hiện này nhấn mạnh, nên bổ sung rau mầm vào các hướng dẫn xây dựng chế độ ăn uống, đặc biệt là đối với người dân ở đô thị và nơi thiếu thốn lương thực.
Bình luận của bạn