Vận động - Nhu cầu thiết yếu tuổi già

Không vận động người già sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe

Để cái tuổi chẳng đuổi “khỏe” đi

Nhấc chân lên và... đi!

5 thức uống giúp người già khỏe đẹp

“Già” cũng… vẫn cần “yêu”

Ai bảo già là không thể... "sướng"

Tầm quan trọng của vận động

BS. Đoàn Quang Hải - Chuyên viên Bộ Y tế cho hay, quá trình lão hóa cộng thêm với nếp sống ít vận động của một số người cao tuổi sẽ khiến sức khỏe người già ngày càng yếu do những chức năng trên cơ thể không được sử dụng. Biểu hiện bao gồm các cơ bắp và khối xương teo lại. Tế bào mỡ to lên, chiếm chỗ của bắp thịt khiến cơ thể béo phì. Tim đập yếu, khả năng sử dụng dưỡng khí giảm, nuôi dưỡng kém, làm người cao tuổi luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán nản. Đồng thời con người trở nên kém linh hoạt, Di chuyển chậm chạp và thường buông xuôi tất cả mọi việc.

Vận động chính là cách giúp người cao tuổi giải quyết những tình trạng trên. Vận động giúp tăng sự nhịp nhàng của toàn thân; Tim phổi tăng hiệu năng; Hỗ trợ duy trì ổn định huyết áp và cholesterol; Khớp xương co duỗi tốt, thịt xương cứng cáp; Trí óc sáng suốt, nhạy cảm hơn, tâm thần thoải mái, yêu đời nên sẽ giúp gia tăng tuổi thọ của người cao tuổi.

Theo chuyên gia, người cao tuổi nên coi sự vận động như một nhu cầu của cơ thể chứ không phải chỉ mang tính chất giải trí, lúc hứng thì tập mà lúc chán rồi lại thôi. Ở lứa tuổi này, phải coi vận động là nhu cầu cần thiết mỗi ngày giống như nhu cầu ăn và uống. Có một thực tế là, người cao tuổi khi tập thường không có một mục tiêu cụ thể nên dễ nhàm, chóng chán. Do đó, việc đầu tiên cần phải làm là xác định rõ mục đích cụ thể trong từng giai đoạn của việc tham gia tập luyện.

Hơn nữa, không nên đưa ra các mục tiêu hay đòi hỏi xa vời bởi sẽ khiến tinh thần mất tự tin, việc tập luyện sẽ hiệu quả hơn nếu người lớn tuổi lập ra các mục tiêu ngắn hạn và có tính thực tế nhất. “Các mục tiêu này phải dựa trên tình trạng sức khoẻ của chính mình và thấy rõ mình có những hạn chế gì về thể lực cần khắc phục ví dụ như cơ bắp teo nhẽo, các khớp vận động khó khăn, tinh thần trì trệ... để đưa ra cách thức vận động hiệu quả giải quyết các tình trạng này”, BS. Đoàn Quang Hải cho hay. 

Không vận động, người già trở nên kém linh hoạt, di chuyển chậm chạp và thường buông xuôi tất cả mọi việc

Tập luyện thế nào?

Người cao tuổi có thể lựa chọn một trong các phương pháp luyện tập sau: 

Để đánh giá cường độ tập mà bản thân có thể chịu được, có thể áp dụng thử nghiệm sau: chạy tại chỗ 2 đến 3 phút. Sau đó đo nhịp tim. Bình thường sau chạy nhịp tim <130 đến 160 lần/phút, sau 5 phút trở lại nhịp tim ban đầu. nếu đang chạy, mạch quá nhanh trên 75% so với lúc đầu thì ngừng thử nghiệm và phải loại bỏ phương pháp chạy.

Đi bộ: Là biện pháp tăng cường sức khỏe tốt nhất với hệ tim mạch. Đi chậm dưới 70 bước/phút, áp dụng cho người yếu, người sau khi bị nhồi máu cơ tim đã hồi phục. Đi bộ trung bình từ 71 đến 90 bước/phút (khoảng 3 đến 4km/giờ) áp dụng cho người có bệnh tim nhẹ. Đi bộ nhanh 91 đến 110 bước/phút (4,5 đến 5km/giờ) áp dụng cho người khỏe mạnh.

Chạy chậm: Nguyên tắc căn bản của chạy chậm là luyện tập phù hợp với sức khỏe dự trữ, không gắng sức, không bao giờ thi chạy với người khác, luôn luôn duy trì nhịp độ chạy thích hợp của mình. Nếu thấy còn sức thì tăng khối lượng vận động bằng cách kéo dài khoảng cách chứ không tăng nhịp độ chạy, không ngại và không sợ phải nghỉ một chút nếu cần. Những người mới bắt đầu chạy, trong khoảng 2 đến 3 tháng đầu, không nên chạy quá 5 đến 6 phút. Dần dần nếu tự cảm thấy chấp nhận được và hiệu quả tập luyện bước đầu khá thì có thể tăng thời gian chạy nhưng không quá 10 phút.

Bơi: Những nơi có điều kiện, bơi là phương pháp rèn luyện toàn diện và thích hợp nhất. Nên bơi chậm, bơi trong thời gian ngắn. Ngoài ích lợi sức khỏe bơi còn giúp uốn lại cột sống đã bị hơi còng ở người già.

Cần lựa chọn các phương pháp luyện tập thích hợp để củng cố và nâng cao sức khỏe bản thân

Những điều cần lưu ý

Theo bác sỹ Hải, song song với luyện tập cần sinh hoạt điều độ, tránh mọi lao động thể lực, trí lực quá sức; Ăn uống vừa phải, không nhiều quá, no quá; Quan tâm đến giấc ngủ tối và trưa, uống đủ nước; Không uống rượu thường xuyên hằng ngày; Không hút thuốc lá và không để cân nặng quá tiêu chuẩn quy định.

Cần quan tâm đến không khí gia đình, tạo nếp sống sinh hoạt, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, giờ giấc, thoáng mát, vui vẻ. Xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc giữa vợ chồng, cha con, ông cháu thành nơi nương tựa tin cậy của tuổi già.

Đặc biệt, cần lưu ý là việc cân đối giữa các yếu tố tần số vận động, cường độ vận động và thời gian vận động. Để đạt hiệu quả luyện tập mong muốn phải đảm bảo các yếu tố này phải được tái lặp đồng đều, tăng giảm phù hợp với cơ thể của mỗi người và trong từng giai đoạn nhất định.
Người cao tuổi nói chung không nên lựa chọn những môn thể thao có cường độ vận động mạnh, tốc độ nhanh, tốn sức; Đối với những người đủ sức khỏe để tham gia các môn thể thao này thì cũng không nên duy trì thời gian tập luyện dài. Sau mỗi tuần hay mỗi buổi tập, hãy lắng nghe những phản hồi của cơ thể để có sự điều chỉnh hợp lý nếu cần. Các cảm giác về giấc ngủ, sự ngon miệng, trọng lượng cơ thể, lượng mồ hôi bài tiết, nhịp thở và nhịp tim là những dấu hiệu dễ nhận thấy. 
Cuối cùng, BS. Đoàn Quang Hải khuyên: "Ngoài việc lựa chọn một môn thể thao hay một biện pháp tập luyện phù hợp nhất, người cao tuổi vẫn cần được khuyến khích tham gia thêm các hoạt động rèn luyện bổ trợ khác như trồng cây, nuôi chim, tham gia các câu lạc bộ thơ, văn... để nâng cao sức khoẻ về tinh thần, rèn luyện trí óc".
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già