Lưu ý khi sử dụng AI để lập kế hoạch ăn uống

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng len lỏi vào mọi mặt đời sống

Chế độ dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh

Chế độ ăn uống cho người bệnh suy tim bạn cần lưu ý

Những điều cần lưu ý trong chế độ ăn của người bị nhịp tim nhanh

ChatGPT tư vấn tâm lý không kém chuyên gia trị liệu

Ấn tượng ban đầu: Nhanh chóng nhưng còn đơn giản 

Để bắt đầu, chuyên gia dinh dưỡng Christina Manian đã đưa ra một câu lệnh đơn giản: “Lập cho tôi một kế hoạch ăn uống lành mạnh” mà không cung cấp thêm bất kỳ thông tin cá nhân nào. Chỉ trong vòng chưa đầy 30 giây, ChatGPT đã tạo ra thực đơn 7 ngày đầy đủ các bữa sáng, trưa và tối.

Trước khi đi vào chi tiết, công cụ này cũng đưa ra một số khuyến nghị chung như uống 8-10 cốc nước mỗi ngày, gợi ý đồ ăn nhẹ (trái cây, sữa chua Hy Lạp, hạt, trứng luộc, rau củ) và lời khuyên điều chỉnh khẩu phần theo nhu cầu cá nhân.

Chuyên gia Christina nhận thấy các món ăn trong thực đơn khá quen thuộc: bữa sáng với trứng, sinh tố, phô mai cottage, bánh kếp protein; bữa trưa và tối gồm salad, ớt chuông nhồi, bát ngũ cốc, súp, thịt nướng kèm rau và tinh bột. Tuy nhiên, không có công thức nấu ăn hay khẩu phần cụ thể đi kèm.

Khi được yêu cầu bổ sung công thức, ChatGPT cũng nhanh chóng phản hồi với danh sách nguyên liệu và hướng dẫn chế biến đơn giản, điều này khiến bà khá ấn tượng. Bà tiếp tục hỏi về khẩu phần phù hợp với độ tuổi và mức độ hoạt động thể chất của mình. Công cụ này liền tạo ra một thực đơn hoàn toàn mới với lượng thực phẩm cụ thể cho từng nhóm dinh dưỡng, dựa trên mức calo trung bình.

Dù chi tiết hơn, các công thức vẫn ở mức cơ bản và không có tính sáng tạo. Cuối mỗi thực đơn, ChatGPT luôn hỏi bà có muốn điều chỉnh theo chế độ ăn đặc biệt như thuần chay, không gluten, giàu đạm... Ngoài ra, nền tảng còn cung cấp những tính năng khá hữu ích khác như danh sách mua sắm, hướng dẫn sơ chế và phân tích dinh dưỡng...

Hữu ích nhưng không thể thay thế chuyên gia 

Chuyên gia Christina Manian đánh giá rằng các thực đơn do AI tạo ra có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng không phù hợp với tất cả mọi người. Ưu điểm là ChatGPT có thể đưa ra gợi ý ăn uống hợp lý, tùy chỉnh theo nhu cầu dinh dưỡng hoặc sở thích cá nhân, đồng thời hỗ trợ thêm công thức và thông tin dinh dưỡng. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất là sự thiếu vắng chuyên môn của một chuyên gia dinh dưỡng.

Trong thử nghiệm, chuyên gia Christina Manian cố tình đóng vai một người không rõ nhu cầu ăn uống cụ thể. Với câu lệnh “thực đơn lành mạnh”, ChatGPT đưa ra một kế hoạch không có khẩu phần cụ thể, điều này có thể dẫn đến việc ăn quá nhiều (nếu hiểu sai) hoặc ăn quá ít (nếu dè dặt). Một số người cũng có thể không tiêu thụ đủ rau hoặc trái cây trong ngày.

Chỉ khi bà bổ sung thông tin về độ tuổi và mức độ vận động, công cụ mới tạo ra một kế hoạch chi tiết hơn. Tuy nhiên, kế hoạch đó vẫn mang tính tổng quát, không qua đánh giá của chuyên gia và không đặt ra những câu hỏi quan trọng mà một chuyên gia dinh dưỡng sẽ hỏi để cá nhân hóa thực đơn.

Khi nào nên sử dụng AI để lập thực đơn? 

Theo chuyên gia Christina Manian, AI có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong một số trường hợp:

- Người đã từng gặp chuyên gia dinh dưỡng, có sẵn nhu cầu calo hoặc phân bổ nhóm chất nhưng chưa biết xây dựng thực đơn cụ thể. Họ có thể nhập thông tin vào AI để lấy gợi ý.

- Chuyên gia dinh dưỡng muốn tiết kiệm thời gian bằng cách để AI phác thảo thực đơn trước, sau đó chỉnh sửa cho phù hợp với từng khách hàng.

- Người có sức khỏe ổn định, tự điều chỉnh khẩu phần tốt và chỉ cần thêm vài ý tưởng bữa ăn đơn giản trong tuần.

Chuyên gia Christina Manian cho biết thực đơn do AI tạo ra nên được xem như một công cụ tham khảo hơn là hướng dẫn chuyên môn. Dù có thể đưa ra những gợi ý lành mạnh cơ bản, AI không thể thay thế đánh giá của chuyên gia để bảo đảm phù hợp với nhu cầu cá nhân.

Bà vẫn tin rằng cách tiếp cận hiệu quả hơn là hiểu nguyên lý dinh dưỡng và xây dựng bữa ăn linh hoạt dựa trên thực phẩm có sẵn, theo mùa. Cách này không chỉ dễ áp dụng trong thực tế mà còn giúp bạn chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, đây có lẽ cũng là lúc chúng ta nên dành chỗ cho trí tuệ bản thân, trước khi phụ thuộc hoàn toàn vào trí tuệ nhân tạo.

 
Việt An (Theo realsimple.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng