Lý giải chứng đãng trí ở người trẻ

Người trẻ có thể mắc chứng sa sút trí tuệ giả

"Chuyện ấy" có thể ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ

Chăm sóc răng miệng giúp bảo vệ não bộ

Những hoạt động bổ ích giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Người cao tuổi có thể gặp nguy hiểm vì sống một mình

Não bộ là một trong những cơ quan lớn nhất và phức tạp nhất trong cơ thể con người, không chỉ lưu giữ thông tin, kiểm soát sự ghi nhớ, suy nghĩ và cảm xúc mà còn điều chỉnh các kỹ năng vận động và tầm nhìn. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific American, bộ nhớ của não đủ dung lượng để lưu trữ khoảng 2,5 triệu GB thông tin. Một số nghiên cứu khác cho thấy bộ não con người quên khoảng 50% thông tin mới trong vòng một giờ sau khi học nó.

Người lớn tuổi có nguy cơ đãng trí và mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi cũng có thể bị đãng trí vì nhiều lý do. Bác sĩ Amit Haldar - Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Fortis Anandapur, Ấn Độ) chia sẻ những nguyên nhân phổ biến của tình trạng đãng trí ở người trẻ, cũng như lý giải về chứng mất trí nhớ giả.

Vì sao người trẻ mắc chứng hay quên?

Với lượng thông tin khổng lồ được cung cấp cho não trong cuộc sống hàng ngày, việc quên một số chi tiết là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn hay quên hơn thường lệ, theo BS. Haldar dưới đây là một số nguyên nhân cần lưu ý:

- Nhiễm trùng não mạn tính, ví dụ bệnh lao.

- Khối u não phát triển chậm.

- Các vấn đề nội tiết như suy giáp hoặc thiếu vitamin, ví dụ thiếu vitamin B12.

- Bị HIV.

- Lạm dụng chất gây nghiện, ma túy, rượu có cồn.

- Ngộ độc kim loại nặng, ví dụ ngộ độc chì.

- Bệnh gan hoặc bệnh thận mạn tính.

- Một chấn thương lớn ở đầu.

Chứng sa sút trí tuệ giả (Pseudodementia) là gì?

BS Haldar cho biết, sa sút trí tuệ giả là tình trạng bệnh nhân có các biểu hiện tương tự như chứng sa sút trí tuệ nhưng không mắc phải chứng bệnh này. Họ có thể bị suy giảm khả năng tập trung, gặp vấn đề về lời nói và ngôn ngữ, khó nhớ từ, gặp vấn đề về trí nhớ, khó tổ chức, ra quyết định hoặc lập kế hoạch. Theo ông, nguyên nhân quan trọng nhất của chứng sa sút trí tuệ giả là trầm cảm và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Từ "Pseudodementia" (chứng sa sút trí tuệ giả) được biết đến lần đầu tiên vào năm 1961 bởi GS Tâm thần học Leslie Kiloh, tại Đại học New South Wales, Australia. Theo một nghiên cứu được công bố trên StatPearls Publishing vào tháng 7/2023, "Pseudodementia" còn được hiểu là rối loạn nhận thức liên quan đến trầm cảm.

Phân biệt chứng sa sút trí tuệ giả và chứng sa sút trí tuệ

Chứng sa sút trí tuệ là tình trạng mất trí nhớ và đãng trí tiến triển hoặc dai dẳng, thường gắn liền với sự thay đổi tính cách. Theo BS Haldar, “Chứng sa sút trí tuệ thường khởi phát âm thầm, tiến triển chậm, diễn biến xấu đi hoặc gây một số biến chứng.”

Ngược lại, chứng sa sút trí tuệ giả bắt đầu đột ngột, thường xảy ra sau một sự việc căng thẳng. Hầu hết những người mắc chứng sa sút trí tuệ giả đều nhận thức được sự thay đổi của mình. Họ cũng có xu hướng chia sẻ các triệu chứng đang gặp phải và tìm cách cải thiện.

Trong khi đó, người mắc chứng sa sút trí tuệ thực sự có thể không nhận thức được các triệu chứng của mình. Họ có xu hướng xem nhẹ sự sa sút trí tuệ mà mình đang gặp phải.

Những thách thức trong chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ giả

Theo bác sĩ, với chứng sa sút trí tuệ giả, các kiểm tra tiêu chuẩn như chụp CT não, chụp cộng hưởng từ não (MRI) hoặc chọc dò tủy sống thường không cho thấy người bệnh có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Một khó khăn khác là sự chấp nhận của bệnh nhân đối với chẩn đoán. BS Haldal lưu ý, nhiều cá nhân thấy khó chấp nhận các triệu chứng của họ là sa sút trí tuệ giả và tiếp tục tìm nguyên nhân khác, điều này làm tăng thêm khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị. Do đó, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và dùng thuốc chống trầm cảm đôi khi có thể giúp ích cho bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ giả.

 
Nguyễn Thanh (Theo Onlymyhealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh