Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và cách dự phòng ung thư vú

Chế độ lành mạnh, lối sống tích cực có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Liệu pháp trúng đích trong điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt

Đột phá điều trị ung thư vú nhờ phương pháp bảo quản mô vú trong gel

Uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ?

Lý do khiến béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Ai có nguy cơ cao mắc ung thư vú?

Ở Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới. Nếu người bệnh được chẩn đoán sớm khi bệnh còn khu trú trong tuyến vú, tỷ lệ sống sau 5 năm sau điều trị lên tới trên 90%.

Bất cứ ai đều có nguy cơ mắc ung thư vú trong cuộc đời, tuy nhiên, người mang giới tính nữ khi sinh có nguy cơ cao hơn cả. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú:

Giới tính

Ước tính 99% các ca mắc ung thư vú là phụ nữ. Nguyên nhân được cho là do phụ nữ có nhiều tế bào vú nhạy cảm với các hormone sinh dục nữ như estrogen và progesterone.

Hiện tại, cũng có một số nghiên cứu tìm hiểu về nguy cơ ung thư vú ở người chuyển giới. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng người chuyển giới nữ (nam chuyển thành nữ) có nguy cơ mắc ung thư vú‌ cao hơn so với nam giới không chuyển giới, trong khi người chuyển giới nam (nữ chuyển thành nam) lại có nguy cơ thấp hơn phụ nữ không chuyển giới.

Tuổi tác

phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi thăm khám, tầm soát ung thư vú hàng năm

Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi thăm khám, tầm soát ung thư vú hàng năm

Đa phần các ca ung thư vú được ghi nhận ở người trên 45 tuổi. Điều này cho thấy tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ với bệnh ung thư này. Vì thế, chị em tuổi trung niên được khuyến cáo tầm soát ung thư vú định kỳ.  

Các yếu tố nguy cơ khác

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý về tuyến vú, ung thư vú và ung thư cổ tử cung

- Có đột biến ở gene BRCA

- Có mô vú dày đặc

- Có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi)

- Sinh con muộn (sau 30 tuổi) hoặc không sinh con

- Dùng thuốc tránh thai

- Sử dụng liệu pháp hormone thay thế.

Làm thế nào để dự phòng ung thư vú?

Bên cạnh các yếu tố không thể thay đổi như tiền sử gia đình, tuổi tác, giới tính, chị em có thể chủ động thực hiện các biện pháp như tầm soát đều đặn và ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa ung thư vú.

Chủ động tầm soát ung thư vú

Người có giới tính khi sinh là nữ (tức là cả người chuyển giới nam) cũng được khuyến cáo bắt đầu tầm soát vú định kỳ khi bước sang tuổi 40. Một số xét nghiệm phổ biến gồm: Chụp nhũ ảnh, chụp MRI tuyến vú, siêu âm vú, khám lâm sàng…

Ngoài ra, chị em cần thường xuyên tự khám vú tại nhà để phát hiện sớm các u, cục hoặc dấu hiệu bất thường ở vú.

Người có điều kiện có thể kiểm tra gene BRCA để xác định nguy cơ mắc ung thư vú.

Tích cực vận động

Chạy bộ hoặc đi bộ đều đặn vừa hỗ trợ kiểm soát cân nặng, vừa giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Chạy bộ hoặc đi bộ đều đặn vừa hỗ trợ kiểm soát cân nặng, vừa giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Để hạn chế nguy cơ mắc ung thư vú, chị em nên tập thể dục đều đặn. Nghiên cứu năm 2022 cho thấy, thói quen vận động thường xuyên giúp dự phòng ung thư vú hiệu quả, đặc biệt ở người béo phì hoặc trong giai đoạn mãn kinh.

Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn

Các chuyên gia khuyến cáo, chị em phụ nữ không nên uống quá 1 đơn vị đồ uống có cồn mỗi ngày. Dù vậy, người có nguy cơ mắc ung thư vú tốt nhất nên kiêng rượu bia hoàn toàn.

Dùng thuốc thông thái

Một số nhóm thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp hormone thay thế, bổ sung estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Chị em tuyệt đối không nên dùng thuốc tùy ý, khi không có chỉ định. Nếu lo ngại về nguy cơ ung thư, bạn nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ điều trị.

Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng

Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh và các chế phẩm từ sữa giàu calci có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Chị em cần hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn (thịt hộp, xúc xích) cũng như thực phẩm “siêu chế biến” chứa nhiều đường, muối và chất béo.

Tránh xa khói thuốc

Khói thuốc lá chứa các chất gây ung thư, có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các đột biến có hại ở mô tuyến vú. Người đang hút thuốc lá tốt nhất nên cai thuốc để phòng nhiều dạng ung thư.

Giữ cân nặng khỏe mạnh

Béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, nhất là ở phụ nữ trong và sau mãn kinh. Chị em nên trao đổi với bác sĩ để có chiến lược giảm cân hiệu quả nhất. Thay đổi từ chế độ ăn và vận động là bước bắt đầu cho quá trình giảm cân bền vững.

 
Quỳnh Trang (Theo Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư