Lý do khiến béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư vú đứng hàng đầu trong nhóm nguyên nhân tử vong do ung thư ở nữ giới trên toàn thế giới

Đi bộ có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Trẻ vị thành niên ăn nhiều đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ ung thư vú

Hướng dẫn 5 bước đơn giản tự khám tầm soát ung thư vú tại nhà

Phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú từ năm 40 tuổi, thay vì 50

Theo báo cáo tháng 4/2024 của Ủy ban Ung thư vú Lancet (The Lancet Breast Cancer Commission), một nhóm chuyên gia quốc tế được thành lập bởi tạp chí y khoa The Lancet (Anh) nhằm giải quyết các vấn đề về Ung thư vú toàn cầu, ung thư vú hiện là loại Ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn cầu.

Báo cáo cho thấy, tính đến cuối năm 2020, đã có khoảng 7,8 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Ủy ban dự đoán rằng số ca ung thư vú trên toàn thế giới sẽ tăng từ 2,3 triệu vào năm 2020 lên hơn 3 triệu vào năm 2040. Cùng với đó, số người tử vong do ung thư vú cũng có thể lên đến 1 triệu người mỗi năm vào năm 2040.

Theo một phân tích được công bố trên tạp chí BMC Women's Health (Anh) vào năm 2023, phụ nữ sau mãn kinh bị béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh theo nhiều cách, bao gồm:

1. Thay đổi nội tiết tố

Mô mỡ (hay tế bào mỡ) có khả năng sản xuất estrogen, một hormone đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của một số loại ung thư vú, đặc biệt là ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen (ER+).

Phụ nữ béo phì thường có lượng mô mỡ cao hơn, dẫn đến sản xuất estrogen quá mức, tạo điều kiện cho sự phát triển của tế bào ung thư vú.

2. Kháng insulin

Béo phì thường đi kèm với tình trạng kháng insulin, đây là tình trạng các tế bào trong cơ thể trở nên kém nhạy cảm hơn với tác dụng của insulin (hormone điều chỉnh lượng đường trong máu). Kháng insulin có thể dẫn đến nồng độ insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1) cao hơn trong máu, có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư, bao gồm cả tế bào ung thư vú.  

3. Viêm mạn tính

Béo phì được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính nhẹ, với nồng độ các phân tử viêm tăng cao trong máu. Viêm mạn tính có thể tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển và tiến triển của khối u, bao gồm cả ung thư vú.

4. Rối loạn mức độ adipokine

Mô mỡ không chỉ đơn thuần là nơi lưu trữ chất béo mà còn tiết ra các phân tử hoạt động sinh học gọi là adipokine (một loại hormone có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào). Những adipokine này ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm viêm nhiễm, chuyển hóa và tăng trưởng tế bào.

Ở phụ nữ béo phì, sự cân bằng của adipokine thường bị rối loạn. Nồng độ adipokine gây viêm cao hơn, trong khi nồng độ adipokine chống viêm lại thấp hơn. Những thay đổi này có thể góp phần vào sự phát triển và tiến triển của ung thư vú.

5. Thay đổi chức năng miễn dịch

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trao đổi chất mà còn tác động đến hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, béo phì có thể làm suy yếu khả năng giám sát miễn dịch, khiến các tế bào ung thư dễ dàng trốn tránh sự phát hiện và tiêu diệt.

6. Thói quen sinh hoạt

Béo phì thường đi kèm với những thói quen sinh hoạt không lành mạnh như chế độ ăn uống thiếu cân bằng, lười vận động và uống nhiều rượu bia,… Bản thân những thói quen này cũng là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư vú. Tuy nhiên, khi kết hợp với nhau, chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú một cách đáng kể.

Mặc dù việc ung thư vú có thể gây ra một triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2040 chỉ là dự đoán dựa trên xu hướng hiện tại. Con số thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Tiến bộ trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư vú; Thay đổi lối sống và nhân khẩu học.

Dù vậy, việc nâng cao nhận thức về ung thư vú và khuyến khích phụ nữ áp dụng các biện pháp phòng ngừa là chìa khóa để giảm thiểu gánh nặng của căn bệnh này trong tương lai.

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, phụ nữ cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế sử dụng rượu bia, khám thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh để phòng ngừa ung thư vú.

Video các bước kiểm tra tại nhà giúp phát hiện sớm ung thư vú:

 
Việt An (Theo Healthshots)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp