Sự phát triển não bộ có vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen ăn uống
9 thay đổi nhỏ giúp bạn ăn uống lành mạnh và giảm cân hiệu quả
Keto hay Địa Trung Hải: Lựa chọn nào tốt cho người đái tháo đường?
Chế độ ăn giàu chất xơ hỗ trợ phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Chế độ ăn khi gặp vấn đề về đường tiêu hóa
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Mental Health, có khoảng 20 triệu người tại châu Âu mắc rối loạn ăn uống như chán ăn, thói quen ăn uống vô độ và rối loạn ăn uống không kiểm soát. Những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ trẻ và thanh thiếu niên.
Trong nghiên cứu này, gần 1.000 thanh thiếu niên từ Anh, Ireland, Pháp và Đức đã được theo dõi suốt một thập kỷ. Họ cung cấp dữ liệu di truyền, hoàn thành các khảo sát về thói quen ăn uống và thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) ở hai thời điểm: 14 và 23 tuổi. Và khi 23 tuổi, các nhà khoa học chia người tham gia thành ba nhóm:
- Nhóm ăn uống lành mạnh (42%): Không gặp vấn đề về ăn uống.
- Nhóm ăn uống hạn chế (33%): Giới hạn lượng thức ăn tiêu thụ để kiểm soát cân nặng hoặc ngoại hình, ví dụ như ăn kiêng.
- Nhóm ăn uống theo cảm xúc hoặc không kiểm soát được hành vi (25%): Có xu hướng ăn uống vô độ để đối phó với cảm xúc tiêu cực hoặc không kiểm soát hành vi ăn uống.
Nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển não bộ
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các thanh thiếu niên mắc các vấn đề về lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn chú ý ở tuổi 14 có nguy cơ cao phát triển các thói quen ăn uống không lành mạnh ở tuổi 23.
Quan trọng hơn, các hình ảnh MRI cho thấy việc chậm phát triển não bộ trong giai đoạn dậy thì là yếu tố then chốt. Vỏ não trước trán (khu vực kiểm soát hành vi và ra quyết định) ở những người thuộc nhóm ăn uống không lành mạnh phát triển chậm hơn. Điều này khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực và các áp lực từ môi trường. Đồng thời, tiểu não (nơi điều chỉnh cảm giác thèm ăn) cũng phát triển kém, đặc biệt ở những người có nguy cơ di truyền cao về béo phì.
Các kết quả này cho thấy rằng, ngoài yếu tố tâm lý và di truyền, sự phát triển của não bộ trong giai đoạn dậy thì cũng có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi ăn uống khi trưởng thành.
Giải pháp can thiệp và phòng ngừa
Phát hiện này mở ra cơ hội cho việc xây dựng các công cụ hỗ trợ cá nhân hóa nhằm nhận diện sớm và can thiệp hiệu quả cho các thanh thiếu niên có nguy cơ mắc rối loạn ăn uống.
Theo Giáo sư Sylvane Desrivières, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học King’s College London (Anh), phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát thói quen ăn uống của con em mình. Nhà trường cần xây dựng môi trường học tập thân thiện, giảm thiểu áp lực xã hội và nâng cao nhận thức của học sinh về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cần hiểu rõ mối liên hệ giữa sự phát triển não bộ và rối loạn ăn uống để áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Nghiên cứu cũng mở ra hy vọng trong việc phát hiện những khác biệt não bộ từ rất sớm, ngay trước khi các thói quen ăn uống không lành mạnh xuất hiện. Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi các đối tượng sau tuổi 20 để tìm hiểu sâu hơn về tác động của sự phát triển não bộ đối với sức khỏe và hành vi ăn uống.
“Việc hiểu rõ mối liên hệ này không chỉ giúp phòng ngừa hiệu quả rối loạn ăn uống mà còn góp phần nâng cao sức khỏe toàn diện cho giới trẻ,” Giáo sư Desrivières nhận định.
Bình luận của bạn