Cá nóc chứa chất kịch độc, chỉ một lượng nhỏ có thể gây tử vong
Podcast: Ngộ độc nặng do “tẩm bổ” bằng mật cá trắm
Khoai tây có 2 dấu hiệu này thì không nên ăn
Bia không cồn dễ bị vi khuẩn tấn công
Podcast: Trẻ ngộ độc thuốc, hóa chất do người lớn bất cẩn
Thực phẩm nhiễm khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất độc hại là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh lý khác nhau, từ tiêu chảy tới ung thư. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm cứ 10 người sẽ có 1 người bị ngộ độc thực phẩm, gây ra 420.000 ca tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, top 7 thực phẩm nguy hiểm nhất, có thể đe dọa tính mạng nếu chế biến, bảo quản sai cách gồm:
Cá nóc
Cá nóc là đặc sản được ưa chuộng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, loài cá này lại chứa độc tố thần kinh tetrodotoxin, có khả năng gây tử vong cao hơn xyanua gấp 1200 lần. Lượng độc tố trong 1 con cá nóc đủ để giết chết 30 người trưởng thành.
Người đầu bếp chế biến món đặc sản này cần có kỹ năng đặc biệt được đào tạo bài bản để loại bỏ mắt cá, não, buồng trứng, gan và nội tạng chứa nhiều độc tố. Tuy nhiên, đa số các ca ngộ độc cá nóc xảy ra khi người dân tự chế biến loài cá này tại nhà.
Quả ackee
Quả ackee (tên khoa học Blighia Sapida) có nguồn gốc từ Tây Phi và là thực phẩm gắn liền với văn hóa Jamaica. Nếu biết cách ăn, đây là thực phẩm bổ dưỡng, còn ngược lại chúng có thể khiến người ăn tử vong chỉ trong 24 giờ. Quả và hạt ackee chứa chất độc hypoglycin A, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, hậu quả là hôn mê, thậm chí tử vong.
Quả ackee có thể ăn được an toàn khi dùng quả chín cây, tự tách mở và để lộ bên trong. Phần ngon lành và hấp dẫn của loài quả này là lớp cùi có vị béo ngậy. Nấu chín, chần sơ trước khi ăn cũng giúp làm giảm độc tố.
Bạch tuộc sống sannakji
Món bạch tuộc sống sannakji của người Hàn Quốc và Triều Tiên thực sự là món ăn thách thức độ can đảm của thực khách. Nguyên liệu được dùng là xúc tu bạch tuộc con, cắt nhỏ nhưng vẫn còn cử động trên đĩa. Tuy không chứa độc, thực khách vẫn có thể “đi đời” nếu thưởng thức món ăn này không đúng cách.
Xúc tu bạch tuộc có thể bám chặt lấy vòm họng, gây ngạt thở. Dù hiếm gặp, hàng năm, có khoảng 6 người tử vong vì món sannakji.
Cá mập thối Hákarl
Hákarl làm từ thịt cá mập Greenland lên men, loài cá có chứa nhiều chất độc nguy hại như hàm lượng oxide trimethylamine và acid uric cao. Nếu chế biến không đúng cách, độc tố có thể gây hại cho ruột non, ảnh hưởng đến thần kinh và gây tử vong. Quá trình lên men hákarl giúp trung hòa các chất độc này. Vì vậy, thịt cá mập thường được chôn dưới cát nhiều tháng, sau đó phơi khô, thành phẩm là những tảng thịt mùi hơi khai.
Cây đại hoàng
Đại hoàng (tên tiếng Anh là Rhubarb) là một loại cây ưa khí hậu lạnh, xuất hiện nhiều ở các vùng núi cao, đặc biệt là vùng Đông Bắc Á và châu Âu. Thân cây đại hoàng có thể làm bánh, làm mứt; Tuy nhiên lá cây lại chứa hàm lượng acid oxalic cao tới mức gây tử vong. Ăn nhầm một vài lá đại hoàng có thể gây tác dụng phụ như bỏng rát họng và miệng, buồn nôn, khó thở, tiêu chảy.
Sắn
Sắn là một loại thực phẩm phổ biến ở nước ta, đặc biệt là các vùng nông thôn và miền núi. Ngộ độc sắn thường được người dân ở nước ta thường gọi là say sắn. Trong sắn có độc tố thuộc loại glycosid, khi gặp men tiêu hóa hay nước sẽ thủy phân và giải phóng acid cyanhydric - một chất độc có thể gây chết người.
Sắn càng đắng thì lượng độc tố càng cao, ăn sống hoặc ăn cả vỏ có thể gây ngộ độc. Cần chế biến sắn đúng cách: Bóc vỏ, ngâm kỹ trong nước, luộc chín hoặc phơi khô rồi xay thành bột.
Đậu thận đỏ
Đậu thận hay đậu tây đỏ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng khi chưa nấu chín lại có hàm lượng phytohaemagglutinin cao. Đây là một loại protein độc hại có trong một vài loại hạt họ đậu khác, có thể làm ngưng kết hồng cầu cùng triệu chứng ngộ độc, buồn nôn, tiêu chảy nếu ăn quá nhiều. Để giảm lượng độc tố này, bạn cần ngâm đậu trong lượng nước nhiều gấp 2-3 lần lượng đậu, bỏ nước sau khi ngâm, sau đó luộc kỹ trong nước sôi sùng sục tối thiểu 10 phút.
Bình luận của bạn