9 thói quen giúp bạn sống lâu, sống khỏe hơn

Tập thể dục đều đặn hơn, khám sức khỏe định kỳ là những thói quen bạn nên duy trì

Thói quen ăn uống giúp làm giảm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ

Liệu pháp mới giúp kéo dài tuổi thọ bệnh nhân ung thư thận

Chế độ ăn giàu protein thực vật có thể giúp tăng tuổi thọ ở phụ nữ?

Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu, làm thế nào kéo dài tuổi thọ?

Dưới đây là 9 thói quen bạn nên thực hiện nếu muốn có được cuộc sống hạnh phúc, lâu dài hơn:

Khám sức khỏe định kỳ

Nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở người trẻ tuổi thường thấp hơn nhiều so với người lớn tuổi. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bạn có thể chủ quan, lơ là việc phòng ngừa. TS. Leana Wen (người Mỹ) cho biết việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên là điều quan trọng vì nó sẽ giúp mỗi người có phương án xử lý, điều trị kịp thời nếu phát hiện ra bệnh. Bà lấy ví dụ: “Nếu phát hiện sớm và biết được mình bị tiền đái tháo đường, bạn sẽ có thể thực hiện được các biện pháp để điều trị và ngăn tình trạng này tiến triển thành đái tháo đường type 2”.

Thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bạn. Theo đó, thời điểm tốt nhất để tới gặp bác sỹ không phải là khi bạn đã có các triệu chứng bệnh. Nếu có thể, bạn nên thường xuyên xây dựng mối liên hệ tốt với bác sỹ để họ có thể hiểu rõ được tình trạng sức khỏe của bạn.

Hoạt động thể chất thường xuyên

Vận động thể chất thường xuyên có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ... Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, việc thường xuyên tập các bài thể dục nhịp điệu (aerobic) không chỉ giúp bạn sống lâu hơn mà còn có thể giúp cải thiện khả năng nhận thức.

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn phòng ngừa nhiều bệnh tật

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn phòng ngừa nhiều bệnh tật

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyên người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút/tuần cho các bài tập thể dục cường độ trung bình tới mạnh. Trong khi đó, phụ nữ mang thai cũng nên duy trì các bài tập thể dục nhịp điệu vừa sức khoảng 150 phút/tuần.

Duy trì chỉ số khối cơ thể (chỉ số BMI) ổn định

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, chỉ số BMI có thể giúp đánh giá các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn với một người.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, duy trì chỉ số BMI trong ngưỡng ổn định có thể giúp kéo dài tuổi thọ của bạn tới hơn 10 năm, cũng như giúp giảm nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạchung thư. Hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn đạt được mục tiêu này.

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Nhiều chuyên gia khuyên bạn nên ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật để bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể. Theo PGS.TS. Nieca Goldberg từ Trường Y khoa Grossman, Đại học New York (Mỹ): “Quá trình stress oxy hóa là dấu hiệu cho thấy hệ thống của chúng ta đang bị căng thẳng. Tình trạng này có thể dẫn tới những thay đổi trong việc tích tụ mảng bám động mạch, cũng như góp phần gây ra tình trạng lão hóa”.

Bạn nên có chế độ ăn lành mạnh, bao gồm nhiều thực phẩm tươi sống

Bạn nên có chế độ ăn lành mạnh, bao gồm nhiều thực phẩm tươi sống

Do đó, để kéo dài tuổi thọ, bạn nên hạn chế các loại thịt đỏ, các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, hãy ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt cũng như các loại hạt và quả hạch. Ngoài ra, cách chế biến thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng nhiều. Theo đó, bạn nên ăn các món hấp, luộc, nướng sẽ tốt hơn các món chiên, rán.

Một nghiên cứu hồi tháng 2/2022 trên tạp chí PLOS Medicine (Mỹ) cho thấy nếu duy trì được chế độ ăn uống lành mạnh, tối ưu từ những năm 20 tuổi, nữ giới có thể kéo dài tuổi thọ tới 10 năm, trong khi con số này ở nam giới có thể lên tới 13 năm.

Chú ý tới sức khỏe tinh thần

Khi nói tới sức khỏe tổng thể, nhiều người thường bỏ qua sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, chúng lại góp phần không nhỏ vào việc bạn có cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn trong cuộc sống hay không.

Nhiều chuyên gia cho biết chỉ cần dành ra khoảng 15 phút mỗi ngày để hít thở sâu, thưởng thức ly cà phê buổi sáng hay đi dạo, viết nhật ký, tạm rời xa các thiết bị điện tử… có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp bạn thấy cuộc sống dễ dàng hơn.

Việc thực hành chánh niệm, thiền định có thể giúp làm giảm nồng độ các hormone căng thẳng, giúp bạn điều chỉnh cảm xúc tốt hơn và cải thiện sức khỏe khi về già.

Ngủ đủ giấc

 

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm thường có nồng độ hormone căng thẳng, lượng đường trong máu và huyết áp cao hơn.

Bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình bằng cách tập thể dục thường xuyên; Giữ phòng ngủ mát mẻ, đủ tối và yên tĩnh; Hạn chế ăn uống hay làm việc… trong phòng ngủ.

Hạn chế rượu bia

Theo PGS.TS. Nieca Goldberg: “Thói quen uống nhiều rượu bia có thể gây hại trực tiếp tới cơ tim, thậm chí có thể dẫn tới suy tim. Việc uống nhiều đồ uống có cồn cũng có thể làm tăng lượng đường huyết, khiến bạn tăng cân khó kiểm soát”.

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy việc hạn chế rượu bia có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư… từ đó kéo dài tuổi thọ thêm một vài năm nữa.

Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư (như ung thư phổi, ung thư vú), đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, rút ngắn tuổi thọ của một người. Do đó, bạn nên bỏ thuốc nếu muốn sống lâu, sống khỏe hơn.

Xây dựng các mối quan hệ bền chặt

Việc có những mối quan hệ gần gũi, tích cực có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái, hạnh phúc, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thấy hài lòng với các mối quan hệ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cũng gặp ít vấn đề sức khỏe hơn, sống lâu hơn và ít có nguy cơ bị trầm cảm, suy giảm nhận thức khi về già.

Vi Bùi (Theo CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp