Cách giúp bạn tỉnh táo sau một đêm mất ngủ

Mất ngủ có thể tác động rất nhiều đến não bộ cũng như khả năng phản ứng và sự tập trung của mỗi người.

Điều gì xảy ra khi cơ thể bạn bị mất ngủ kéo dài?

Hơn 10 triệu người mất ngủ, giới trẻ Việt Nam lại đổ xô đi cà phê lúc 4 giờ sáng

Lý do khiến phụ nữ mất ngủ thường xuyên hơn nam giới

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến não bộ thế nào?

Thiếu ngủ - kẻ thù thầm lặng của não bộ

Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Seminars in Neurology (tạp chí khoa học chuyên sâu về thần kinh học, xuất bản tại Đức) đã chỉ ra rằng khi thiếu ngủ, não bộ chúng ta hoạt động kém hiệu quả hơn. Thời gian phản ứng chậm lại, khả năng tập trung suy giảm, trí nhớ trở nên kém sắc nét, và chúng ta dễ cảm thấy lo lắng, căng thẳng hơn.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng chỉ cần vài đêm thiếu ngủ cũng cũng đủ để gây ra những thay đổi đáng kể trong não bộ. Cụ thể, hoạt động của vỏ não trước trán (vùng não chịu trách nhiệm cho các chức năng cao cấp như lập kế hoạch, ra quyết định) giảm sút. Đồng thời, hoạt động của hạch hạnh nhân (vùng não đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý và xử lý cảm xúc, đặc biệt là các phản ứng liên quan đến sự sợ hãi và lo lắng) lại tăng lên.

Bên cạnh đó, thiếu ngủ còn kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, khiến cơ thể luôn trong trạng thái sẵn sàng đối phó với nguy hiểm. Điều này giải thích tại sao khi thiếu ngủ, chúng ta thường cảm thấy căng thẳng, tim đập nhanh và huyết áp tăng cao.

Khắc phục nhanh chóng sau một đêm mất ngủ

Để đối phó với những tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ, các chuyên gia khuyên bạn nên:

- Chợp mắt ngắn: Một giấc ngủ ngắn, ví dụ như một giấc ngủ trưa (khoảng 15-30 phút), cũng có thể giúp cải thiện đáng kể sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc.

- Uống cà phê vừa phải: Caffeine có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo, tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng caffeine, cần tiêu thụ chúng ở mức vừa phải (Theo khuyến nghị của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, người lớn khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine/ngày tương đương 4-5 tách cà phê) để tránh cảm giác lo lắng, tim đập nhanh và kích động.

- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh là có thể chống lại những hậu quả sức khỏe của mất ngủ lâu dài, và có một số bằng chứng cho thấy nó cũng cải thiện hiệu suất ngay sau một đêm ngủ không ngon. Một nghiên cứu nhỏ năm 2022 cho thấy sinh viên đại học tập luyện sau một đêm mất ngủ hoàn toàn có thành tích tốt hơn trong bài kiểm tra kiểm soát nhận thức so với những người không tập luyện.

- Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên: Ánh sáng mặt trời giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học và tăng cường sự tỉnh táo.Việc kết hợp các phương pháp trên sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại năng lượng và cải thiện hiệu suất làm việc sau một đêm mất ngủ.

Hạn chế tác hại của việc thiếu ngủ

Một đêm mất ngủ có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và ảnh hưởng đến khả năng làm việc và đưa ra quyết định. Vì vậy, để hạn chế những tác động tiêu cực này, hãy lưu ý những điều sau: Trước hết, tuyệt đối không lái xe nếu bạn đã thức trắng đêm. Tiếp theo, hãy lên kế hoạch cho công việc của mình một cách hợp lý, sắp xếp những việc quan trọng vào thời điểm bạn cảm thấy tỉnh táo nhất.

Đồng thời, hãy tránh đưa ra những quyết định quan trọng, đặc biệt là những quyết định liên quan đến tài chính hoặc các mối quan hệ. Cuối cùng, cách tốt nhất để khắc phục tình trạng thiếu ngủ là đảm bảo ngủ đủ giấc vào ban đêm. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể phục hồi và bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn.

 
Việt An (Theo The New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp