Chất béo chuyển hóa có hại thế nào và cách nhận biết

Làm thế nào nhận biết thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa?

Những thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa gây hại cho tim

Chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sẽ bị cấm sử dụng

Tại sao bạn nên tránh hoàn toàn chất béo chuyển hóa?

Dấu hiệu đang ăn quá nhiều chất béo

Chất béo chuyển hóa là gì?

Thuật ngữ “chất béo chuyển hóa” dùng để chỉ chất béo có cấu trúc hóa học cụ thể. Chất béo chuyển hóa có một số loại liên kết hóa học khác với các loại chất béo khác. Những liên kết độc đáo này làm thay đổi hình dạng của chất béo cũng như cách cơ thể bạn phản ứng với nó.

Không giống như các loại chất béo khác, hầu hết chất béo chuyển hóa đều được tạo ra một cách nhân tạo. Chúng được hình thành khi hydrogen được thêm vào dầu thực vật dạng lỏng để làm cho dầu rắn lại ở nhiệt độ phòng. Việc này không chỉ làm cho dầu thực vật ổn định hơn (không bị hỏng nhanh) mà còn giúp giảm chi phí sản xuất thực phẩm chế biến sẵn.

Chất béo chuyển hóa có hại cho sức khỏe thế nào?

Gan xử lý chất béo chuyển hóa theo cách khác so với các loại chất béo khác, nên ảnh hưởng đến sức khỏe cũng không giống nhau. Chất béo chuyển hóa được coi là chất béo “xấu” vì có thể: Tăng cholesterol "xấu" (LDL), giảm cholesterol "tốt" (HDL), tăng chất béo trung tính trong máu.

Các chất béo chuyển hóa được xử lý trong cơ thể làm tăng nguy cơ mắc: Bệnh tim, đặc biệt là bệnh động mạch vành và đau tim, đột quỵ, viêm (lâu dài có thể gây hại các mô, tăng nguy cơ các bệnh mạn tính), đái tháo đường type 2, tăng cân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất béo chuyển hóa là nguyên nhân gây ra nửa triệu ca tử vong sớm do bệnh động mạch vành trên toàn thế giới mỗi năm.

Ăn bao nhiêu chất béo chuyển hóa là không tốt?

Không có lượng chất béo chuyển hóa cố định nào được coi là có hại. Nhưng theo WHO, một số chuyên gia quốc tế khuyến nghị hạn chế chất béo chuyển hóa ở mức 1% lượng calorie hàng ngày của bạn. Vì vậy, nếu bạn ăn khoảng 2.000 calorie mỗi ngày, thì không nên ăn quá 2g chất béo chuyển hóa. Cơ thể không cần chất béo chuyển hóa để hoạt động, nên ăn càng ít càng tốt, đặc biệt với người đang hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim.

Làm thế nào để biết thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa hay không?

Chất béo chuyển hóa dễ tìm thấy trong đồ chiên ngập dầu, các thực phẩm đóng gói

Chất béo chuyển hóa dễ tìm thấy trong đồ chiên ngập dầu, các thực phẩm đóng gói

Năm 2003, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã sửa đổi bổ sung luật ghi nhãn sản phẩm. Trong đó quy định chất béo chuyển hóa phải được công bố trên mọi nhãn dinh dưỡng. Nhưng điều quan ngại là, nếu tổng lượng chất béo chuyển hóa nhỏ hơn 0,5g, các công ty được phép làm tròn xuống. Nói cách khác, nếu một thực phẩm chứa 0,4g chất béo chuyển hóa thì nhà sản xuất có thể ghi nhãn chất béo chuyển hóa là 0g.

Vì vậy, để biết liệu thực phẩm có thực sự không chứa chất béo chuyển hóa hay không, bạn có thể dựa vào danh sách thành phần. Một số từ nhất định cho thấy có bổ sung chất béo chuyển hóa, dù trên nhãn ghi là không. Vì vậy, hãy chú ý các thành phần sau:

- Dầu thực vật được hydro hóa một phần.

- Dầu thực vật được hydro hóa hoàn toàn.

- Chất béo dạng rắn sản xuất từ dầu thực vật (Shortening).

- Bơ thực vật (Margarine).

Chất béo chuyển hóa được tìm thấy với lượng cao nhất trong thực phẩm chế biến sẵn. Một số loại phổ biến nhất là: Các món tráng miệng đóng gói (như bánh quy, bánh nướng xốp, vỏ bánh nướng và kem), bánh mỳ đã qua chế biến (bột bánh pizza, hamburger), Margarine và chất béo Shortening, các hỗn hợp đóng gói sẵn để làm bánh hoặc đồ uống, thực phẩm chiên (gà rán, khoai tây chiên, bánh rán), bắp rang bơ bằng lò vi sóng.

Cách hạn chế chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống

- Tránh thực phẩm chế biến kỹ. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh. 

- Kiểm tra nhãn dinh dưỡng và danh sách thành phần.

- Thay bằng thực phẩm chứa chất béo không bão hòa, lành mạnh hơn, như quả bơ, các loại hạt, dầu olive. Ưu tiên bổ sung trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc trong chế độ ăn uống.

 

FDA đã chính thức cấm chất béo chuyển hóa ở Mỹ vào năm 2015. WHO đã kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trên toàn thế giới vào năm 2018.

Ngày 23/1/2023, WHO đã công bố báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu về loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm giai đoạn 2018 - 2023. Có 60 quốc gia áp dụng quy định bắt buộc nhằm giảm mức chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, trong đó có 43 quốc gia đã áp dụng "chính sách thực hành tốt nhất" của WHO nhằm loại bỏ chất béo chuyển hóa khỏi tất cả các loại thực phẩm vào cuối năm 2023.

 
Nguyễn Thanh (Theo GoodRx)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng