Chú ý sức khỏe của trẻ thời điểm giao mùa

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa

Sốt xuất huyết vào mùa: Trẻ em là đối tượng cần lưu ý nhất!

Tại sao trẻ em dễ mắc sởi và làm thế nào để phòng tránh?

Phòng tránh tai nạn bỏng trong sinh hoạt hàng ngày ở trẻ em

Độ tuổi thích hợp để trẻ em sử dụng điện thoại thông minh?

Một số bệnh trẻ thường gặp thời điểm giao mùa

Theo BS. Duy, cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp trên...là những bệnh trẻ thường gặp lúc giao mùa

Theo BS. Duy, cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp trên...là những bệnh trẻ thường gặp lúc giao mùa

TS.BS Lê Ngọc Duy, Chuyên khoa Nhi cho biết thời tiết đang trong giai đoạn chuyển từ Hè sang Thu, nóng lạnh thất thường, lại có mưa nhiều và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trẻ em là đối tượng cần được chú ý nhiều do có hệ miễn dịch kém, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi nên rất dễ nhiễm bệnh. Theo bác sĩ Duy, những bệnh trẻ thường gặp nhất ở điều kiện thời tiết này và một số dấu hiệu thường thấy gồm:

Cảm cúm

Thời tiết giao mùa biến đổi thất thường, khiến sức đề kháng của trẻ bị suy yếu nên trẻ rất dễ mắc cảm cúm. Khi bị bệnh, trẻ có thể sốt một cách đột ngột (> 38,3 độ C) hoặc sốt đi kèm với run, ớn lạnh, cơ thể đau nhức, mệt mỏi và ho khan, đau họng, nghẹt mũi.

Viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên là những bệnh lý thường gặp khi thời tiết giao mùa, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tình trạng dị ứng hoặc do các tác nhân vi khuẩn, virus. Trẻ bị viêm đường hô hấp thường bị sốt, ho, chảy mũi nước, hắt xì hơi...

Tiêu chảy cấp

Thời điểm giao mùa cùng với mưa lũ, chế độ dinh dưỡng không được đảm bảo, trẻ rất dễ mắc tiêu chảy cấp. Bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, khi mắc tiêu chảy cấp trẻ thường có những biểu hiện điển hình như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng...

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền nhiễm. Khi trẻ mắc phải sẽ có các biểu hiện thường gặp như sốt cao đột ngột và liên tục trong khoảng 2-4 ngày, có thể xuất hiện xuất huyết dưới da, ở niêm mạc miệng, nặng hơn là đi tiểu ra máu... Đặc biệt trẻ mắc sốt xuất huyết có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, như là nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa, trụy tim mạch, xuất huyết não.

Sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, phổ biến ở trẻ em. Khi mắc bệnh sởi trẻ có thể xuất hiện một số biểu hiện như sau: Trẻ sốt cao, sổ mũi, phát ban, viêm kết mạc… Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ tiến triển nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện bệnh và chữa trị đúng cách, kịp thời

Trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện bệnh và chữa trị đúng cách, kịp thời

Biện pháp phòng tránh bệnh giao mùa cho trẻ

BS. Lê Ngọc Duy đưa ra một số khuyến nghị phòng bệnh giao mùa cho trẻ mà phụ huynh cần lưu ý:

Tiêm chủng đầy đủ theo lịch

Hầu hết những bệnh giao mùa đều có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Cách phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất đó là đảm bảo cho trẻ tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong vòng 2 năm đầu đời, bé đã có thể được tiêm chủng để phòng ngừa rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác nhau.

Tránh tiếp xúc nguồn lây bệnh

Người chăm sóc trẻ và trẻ cần thường xuyên rửa tay. Đặc biệt, cha mẹ cần nhớ rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc các bệnh lý hô hấp. Nếu trẻ có triệu chứng mắc bệnh hô hấp hãy đeo khẩu trang cho trẻ và hạn chế đến nơi đông người.

Hướng dẫn trẻ không chạm tay vào mắt, mũi và miệng của mình, trẻ sử dụng khăn giấy sạch chấm vào mắt cay, ngứa mũi và che mũi miệng khi ho, hắt hơi. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, điện thoại, khăn, cốc và các đồ dùng của trẻ.

Dinh dưỡng giúp tăng cường đề kháng

Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng: protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Protein và vitamin hỗ trợ duy trì sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Vitamin có nhiều trong trái cây tươi, rau xanh, nước ép hoa quả, dầu cá

dinh dưỡng hợp lý giúp phòng bệnh hiệu quả

Dinh dưỡng hợp lý giúp phòng bệnh hiệu quả

Vệ sinh thân thể đúng cách

Thực hiện việc vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ. Đảm bảo môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Hình thành thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ như cắt móng tay chân, thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng hàng ngày, tắm và vệ sinh thân thể sạch sẽ hàng ngày.

BS. Duy khuyến cáo, phụ huynh cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bác sỹ ơi