“Cơn sốt” matcha và nguy cơ khan hiếm toàn cầu

Matcha càng được săn đón thì nguy cơ khan hiếm nguồn cung càng tăng

Uống trà xanh giúp ngừa chứng sa sút trí tuệ

Lưu ý khi uống trà ngày Tết

Trà xanh liệu có phải là "bài thuốc giảm cân" tự nhiên hiệu quả?

Uống trà xanh giúp tăng cường sức khỏe răng miệng

Thay thế cà phê bằng matcha có thể giúp giảm lo âu

Được mệnh danh là một "siêu thực phẩm" tốt cho sức khỏe, matcha - loại bột xay mịn từ lá trà xanh tencha, đã chứng kiến sự bùng nổ về doanh số trong vài năm gần đây. Dự báo, thị trường matcha toàn cầu sẽ đạt mốc 2,9 tỷ đô la vào năm 2028.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, có lẽ cốc matcha latte bạn uống mỗi sáng sẽ trở thành điều xa xỉ. Phía sau làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ đó là những cảnh báo đáng lo ngại về nguy cơ khan hiếm nguồn cung trà xanh. 

Phần lớn matcha trên thế giới được sản xuất tại Nhật Bản, đặc biệt ở hai vùng trồng nổi tiếng là Uji và Nishio. Theo Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, sản lượng matcha đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ qua, đạt hơn 4.176 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, cung vẫn không theo kịp cầu.

Để sản xuất trà tencha, cây trà được trồng trong bóng râm trong 4 tuần trước khi thu hoạch

Để sản xuất trà tencha, cây trà được trồng trong bóng râm trong 4 tuần trước khi thu hoạch

Điều trớ trêu là trong khi người Nhật uống ít matcha hơn trước, thế giới lại “nghiện” loại trà này hơn bao giờ hết. Ông Fumi Ueki, đại diện của Leaf Brand Group, thuộc Ito En - nhà phân phối trà lớn nhất Nhật Bản cho biết, hiện nay hơn một nửa lượng matcha sản xuất tại Nhật được xuất khẩu.

Tin đồn về tình trạng “khủng hoảng matcha” bắt đầu rộ lên từ mùa Thu năm 2024. Lần đầu tiên trong lịch sử, những thương hiệu trà nổi tiếng tại Kyoto như Ippodo hay Marukyu buộc phải giới hạn số lượng matcha bán ra, dù các nhà máy đã hoạt động hết công suất. Người tiêu dùng thì liên tục phản ánh rằng các kệ hàng matcha tại nhiều nơi đang trống trơn.

Vụ thu hoạch năm 2025 sẽ kéo dài đến đầu tháng 6, tạm thời “làm dịu” cơn khan hiếm matcha trên thị trường. Nhưng cứ theo xu hướng hiện nay, các chuyên gia dự báo ngành trà Nhật Bản sẽ phải cải tổ toàn diện để theo kịp nhu cầu.

Quá trình xay matcha bằng cối đá diễn ra chậm rãi để bảo tồn hương vị và dưỡng chất trong lá trà

Quá trình xay matcha bằng cối đá diễn ra chậm rãi để bảo tồn hương vị và dưỡng chất trong lá trà

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng matcha không hề đơn giản. Theo Shiori Yuen, người đứng đầu bộ phận kinh doanh quốc tế của Yamasan - công ty trà có trụ sở ở Kyoto, Nhật Bản không thiếu đất trồng cây trà. Nhưng từ khâu trồng cây đến chế biến đều có giới hạn: Cây trà phải mất 5 năm mới cho thu hoạch, và cối đá nghiền matcha thì hoạt động rất chậm. Một chiếc máy chỉ cho ra 40gr matcha thượng hạng mỗi giờ, đủ để pha 10-12 cốc latte. Quá trình sản xuất 1 chiếc cối đá nghiền matcha cũng cần mất tới 1 tháng, để đảm bảo cho ra bột mịn mà không bị hư hỏng vì nhiệt độ do ma sát.

Tuy nhiên, bài toán lớn hơn cả mà ngành nông nghiệp Nhật đang đối mặt là thiếu hụt lao động. Số lượng nông dân trồng trà giảm từ hơn 53.000 người vào năm 2000, còn chưa đến 12.400 người vào năm 2020. Nhiều người nông dân trồng trà đang già đi, để lại nhiều nông trại bỏ hoang vì thiếu thế hệ sau tiếp quản.

Matcha làm từ tencha, loại lá trà non đã được loại bỏ phần cuống và gân lá. Matcha được ưa chuộng trên toàn thế giới không chỉ vì vị ngon, mà còn vì niềm tin vào lợi ích sức khỏe của thức uống giàu chất chống oxy hóa này. Người tiêu dùng muốn thưởng thức matcha cần chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, nếu là matcha nhập khẩu phải có giá thành tương xứng cũng như giấy tờ đầy đủ. Hạn chế mua matcha chiết gói lẻ do người bán có thể độn thêm những loại bột trà xanh kém chất lượng, chứa nhiều chất tạo mùi, tạo màu.

 
Quỳnh Trang (Theo Japan Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng