Thay thế cà phê bằng matcha có thể giúp giảm lo âu

Matcha có chứa ít caffeine và nhiều L-theanine từ đó giúp giảm lo âu, căng thẳng

Có nên cho trẻ uống đồ uống chứa caffeine?

8 thức trà không caffeine giúp giảm lo âu, căng thẳng

Caffeine trong trà và cà phê giúp làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ?

Bạn nạp vào cơ thể bao nhiêu caffeine khi uống trà, cà phê?

Matcha giúp giảm căng thẳng, lo âu bằng cách nào?

Trước đây đã có nhiều nghiên cứu cho rằng việc uống matcha trong vòng 15 ngày có thể làm giảm đáng kể mức độ lo lắng ở người trưởng thành khỏe mạnh. Tác dụng tiềm năng này của matcha được cho là bắt nguồn từ sự kết hợp giữa hai hợp chất hoạt tính sinh học quan trọng: L-theanine và epigallocatechin gallate (EGCG).

Trong đó, L-theanine là một loại acid amin tự nhiên có ở trà xanh và được chứng minh có khả năng làm dịu hệ thần kinh và giảm căng thẳng. Do matcha là dạng trà xanh cô đặc, hàm lượng L-theanine trong mỗi khẩu phần có xu hướng cao hơn, từ đó mang lại hiệu quả rõ rệt hơn trong việc hỗ trợ thư giãn tâm trí.

Theo TS. Leigh A. Frame, Giám đốc điều hành Văn phòng Y học và Sức khỏe Tích hợp thuộc Trường Y và Khoa học Sức khỏe, Đại học George Washington (Mỹ), L-theanine giúp thúc đẩy trạng thái thư giãn mà không gây buồn ngủ bằng cách gia tăng hoạt động của sóng não alpha và điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh như GABA, dopamine và serotonin – những yếu tố có vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát cảm xúc và phản ứng với stress.

Bên cạnh đó, matcha còn giàu EGCG giúp chống oxy hóa mạnh thuộc nhóm catechin, có khả năng làm giảm tình trạng viêm và stress oxy hóa – hai yếu tố sinh lý được cho là có liên quan đến cơ chế hình thành chứng lo âu. Nhờ sự tương tác phối hợp giữa L-theanine và EGCG, matcha có thể mang lại hiệu quả hỗ trợ tâm lý một cách toàn diện, góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần khi được sử dụng thường xuyên trong chế độ ăn uống hợp lý.

Matcha thường có hàm lượng caffeine thấp hơn so với cà phê pha và espresso khi so sánh theo cùng một thể tích. Cụ thể, cà phê pha chứa khoảng 96mg caffeine trong 240ml nước, tương đương khoảng 40mg trên mỗi 100ml. Espresso có hàm lượng đậm đặc hơn nhiều, với khoảng 64mg caffeine trong chỉ 30ml, tức khoảng 213mg trên mỗi 100ml. Trong khi đó, khi pha 1 gram bột matcha với 100ml nước thường chứa từ 19 đến 44mg caffeine, tùy theo chất lượng bột trà. Như vậy, tính theo nồng độ trên mỗi 100ml, matcha có lượng caffeine tương đương hoặc thấp hơn cà phê pha, và thấp hơn đáng kể so với espresso.

Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, được cơ thể hấp thụ nhanh chóng. Khi đi vào máu, nó có thể kích hoạt sự gia tăng adrenaline và cortisol – hai hormone liên quan đến phản ứng căng thẳng dẫn đến cảm giác bồn chồn, lo lắng ở một số người. Tuy nhiên, tác động này được điều hòa đáng kể trong matcha nhờ sự hiện diện của L-theanine . Sự kết hợp giữa caffeine và L-theanine tạo nên một hiệu ứng đặc biệt: tăng cường sự tỉnh táo và khả năng tập trung mà không gây cảm giác hưng phấn quá mức hay bồn chồn thường thấy như khi dùng cà phê.

Nồng độ caffeine có trong matcha còn phụ thuộc vào chất lượng trà.

Nồng độ caffeine có trong matcha còn phụ thuộc vào chất lượng trà.

Cũng theo TS. Frame, L-theanine giúp làm dịu tác động của caffeine thông qua việc kích thích hoạt động sóng não alpha – sóng não liên quan đến trạng thái thư giãn tỉnh táo. Nhờ đó, matcha mang lại một kiểu kích thích nhẹ nhàng và cân bằng hơn, được mô tả như trạng thái "tỉnh táo trong bình tĩnh".

Vậy uống bao nhiêu matcha là đủ?

Liều lượng matcha có thể thay đổi tùy theo cách sử dụng, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy lượng L-theanine cần thiết để mang lại hiệu quả làm dịu thần kinh vào khoảng 200mg. Theo TS. Frame, để đạt được mức L-theanine này, bạn cần sử dụng từ 2 đến 4gr matcha chất lượng cao, tương đương với khoảng 1 đến 2 khẩu phần.

TS. Frame cũng nhấn mạnh rằng, việc uống matcha đều đặn có thể giúp giảm căng thẳng về lâu dài. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ duy trì thói quen uống một tách matcha mỗi ngày, bạn vẫn có thể cảm nhận được những lợi ích tích cực đối với tinh thần và sự thư giãn.

Bên cạnh đó, cách chế biến matcha cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của nó. Dù matcha có thể được dùng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn, nhưng các hoạt chất quan trọng như EGCG và L-theanine có thể bị phân hủy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài. Chính vì vậy, matcha sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi được sử dụng ở dạng đồ uống, nơi các dưỡng chất được bảo toàn tối đa.

 
Hà Chi (Theo VeryWellHealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng