- Chuyên đề:
- Bài tập thể dục, yoga
Tập kháng lực không chỉ có lợi với thể chất mà còn giúp bảo vệ sức khỏe hệ thần kinh
Bài tập thể dục làm chậm tốc độ lão hóa cho người ngoài 40
10 bài tập thể dục tại nhà hiệu quả không kém đi bộ
Gia tăng biến cố tim mạch ở người trẻ, người khỏe
Tập thể dục với máy rung toàn thân liệu có giảm mỡ?
Tập kháng lực (resistance training) là hình thức luyện tập cải thiện sức mạnh cơ bắp qua cách chống lại ngoại lực, có thể đến từ tạ, dây kháng lực hoặc chính trọng lượng cơ thể. Đây không phải bộ môn mới nổi, mà cơ chế tập luyện này đã tồn tại từ thời cổ đại. Người Ai Cập rèn luyện bằng cách nâng các bao cát và đá nặng, trong khi người Hy Lạp sử dụng quả tạ đá cho nhiều bài tập.
Khoa học hiện đại phát hiện ra nhiều lợi ích sức khỏe khi tập kháng lực thường xuyên:
Cải thiện sức khỏe xương
Các bài tập yêu cầu nâng tạ có thể giúp làm chậm tốc độ mất xương do lão hóa. Ước tính người ngoài 50 tuổi mất khoảng 1% xương mỗi năm và phụ nữ mãn kinh có nguy cơ loãng xương cao. Tập kháng lực có thể giúp duy trì mật độ xương, đồng thời kích thích tăng trưởng và tập trung calci tại xương.
Kiểm soát đường huyết
Hormone insulin có nhiệm vụ chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể và kiểm soát đường huyết. Tập kháng lực vừa giúp cải thiện độ nhạy insulin, vừa giúp tăng cơ bắp và chuyển hóa bớt glucose dư thừa thành năng lượng. Nghiên cứu cho thấy, người tham gia tập tạ có chỉ số HbA1C (mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng) thấp hơn.
Cải thiện độ linh hoạt
Tập kháng lực hoặc nâng tạ đều đặn giúp cơ bắp khỏe mạnh hơn. Từ đó, cơ bắp kết nối với các khớp như đầu gối hoặc hông, giúp khớp cử động linh hoạt, biên độ rộng hơn và ổn định. Với người cao tuổi, bộ môn này còn giúp cải thiện khả năng thăng bằng và phối hợp chân tay, giảm nguy cơ té ngã.
Hỗ trợ giảm cân
Nhiều người nghĩ rằng để giảm cân phải tập cardio hoặc các bài tập hiếu khí, nhưng tập kháng lực cũng có hiệu quả không kém trong quá trình cải thiện vóc dáng. Tập tạ giúp tăng khối lượng cơ nạc, từ đó giúp tăng tốc độ độ chuyển hóa. Ngay cả khi nghỉ ngơi cơ thể vẫn đốt cháy nhiều calo hơn, nhờ đó có thể duy trì cân nặng khỏe mạnh lâu dài.
Tăng cường chức năng não bộ
Rèn luyện thể chất bằng bộ môn tập kháng lực còn bảo vệ các vùng não có nguy cơ thoái hóa, đặc biệt là ở hồi hải mã. Nghiên cứu cho thấy, tập kháng lực đem lại nhiều lợi ích với chức năng nhận thức của người cao tuổi. Một trong các cơ chế là nhờ giảm tích tụ mảng amyloid có liên quan đến bệnh Alzheimer. Hiệu quả bảo vệ não bộ còn kéo dài tới 1 năm sau quá trình tập luyện.
Bên cạnh đó, thói quen tập thể dục đều đặn còn giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe tâm thần, giúp bạn có giấc ngủ ngon và đẩy lùi nguy cơ trầm cảm, lo âu.
Cân bằng hormone
Quá trình tập kháng lực kích thích cơ thể sản sinh ra các hormone đồng hóa gồm testosterone, estrogen, insulin và hormone tăng trưởng HGH. Nhiệm vụ của chúng là giúp xây dựng và phục hồi các mô trong cơ thể, thúc đẩy tổng hợp protein và tăng trưởng cơ bắp.
Đồng thời, tập luyện với tạ giúp giảm các hormone dị hóa mà cơ thể tiết ra trong trạng thái căng thẳng như adrenaline, cortisol và cytokine.
Tập kháng lực với tạ hoặc máy tập cần được thực hiện đúng kỹ thuật để hạn chế nguy cơ chấn thương. Người trên 60 tuổi hoặc bất cứ ai muốn bắt đầu tập tạ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, kiểm tra thể lực và các sàng lọc cần thiết. Trong quá trình tập, nên đồng hành với huấn luyện viên có chuyên môn và tập vừa sức.
Bình luận của bạn